Con Cò
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Miền Trung 3

Go down

Miền Trung 3 Empty Miền Trung 3

Bài gửi  cò vũ Sat Feb 12, 2011 6:26 pm

Trời khuya lắm rồi, tui với hai đứa con về tới phòng thì lăn ra ngủ ngay, Phú, Phúc gõ cửa kêu ra, biết mà không nhấc mình dậy nổi. Trình cũng mệt quá nên ngủ từ sớm, như vậy cuộc nhậu tối rằm trên Bạch Mã không có tui với Trình, chỉ có Đức, Phú, Phúc, Hà, Thuận năm người thôi. Hì hì, tui ngủ tới gần 4 giờ sáng thì giật mình thức dậy. Nghe ngoài hành lang tiếng Hà nói vang vang, Phúc cười ha ha thiệt là sảng khoái. Biết là bà con đang rất là vui, cũng thử muốn ngồi dậy nhưng tay chân không chịu nghe lời. Với lại lỡ ngủ rồi mò ra, tay chân lóng ngóng làm bể li nữa thì tụi nó chửi ê cái đầu!! Hì hì, thôi kệ cứ ngủ tiếp cho xong phần mình. Nhưng theo lời Phúc và Phú kể thì cái đêm đó là một đêm rất tuyệt, mọi người đều thăng hoa trong cảm giác, kể cả Thuận lần đầu tham gia chung với tụi này. Hì hì, chính vì thế mà tui phải ngồi cafe với Phú và Phúc hết sáng này sang sáng khác để nắm bắt cảm giác của bạn mình và nội dung câu chuyện nói trong đêm hôm đó. He he, viết thuê theo lời kể nhiều rồi nhưng lần này không dễ chút nào!!! Hai ông kẹ nhậu quá tới sáng, vô ngủ một cái quên gần hết, chỉ còn nhớ là vui dữ lắm mà cái gì vui thì... xin thua... He he, thằng kể không kể ra chuyện thì thằng viết làm sao! Hic, bởi vậy sau phần này các bạn sẽ biết cái đoạn trường của người có nhiệm vụ ghi chép lại chuyến đi, hic... mà cũng vì không có mặt tui & Trình nên chai rượu của Trác gửi về tụi nó không dám khui uống, vì sợ hai đứa tụi tui chửi. Nhờ vậy mà về SG tụi tui còn có lý do để tụ tập , nhâm nhi chai rượu của bạn hiền!

Khi tụi tui đi về ngủ (nhậu ) bầu trời còn nhiều mây. Trên núi cao, chiều và tối trời trở lạnh, sương mù giăng giăng khắp nơi. Nếu từ bình nguyên nhìn lên các bạn sẽ thấy như mây đang bám quanh núi. Thiệt ra trên núi có thấy là mây đâu, chỉ lờ mờ như khói như sương thôi. Tui nói nhiều mây là mây trên tít cao, che khuất mất trăng rồi. Khu vực nhà nghỉ dành cho tụi này leo lét những ngọn đèn vàng vọt. Một khoảng hành lang rộng mênh mông như một cái sảnh chỉ có một cái đèn trần làm cho khói, mù như ùa vào chiếm lấy khoảng không gian ấy. Các bạn tui ngồi nhậu trong không gian như vậy, thò tay ra có thể vớt được mây, rượu rót ra li, mây lồng trong cái chất lỏng ấy, uống vào như uống cả mây! Gió núi ban đêm về lành lạnh, vi vút thổi qua, thổi qua, để lại trên vai, trên lưng, trên tóc đôi giọt sương đọng. Không có bàn, chẳng cần gì ghế, đồ bày trên giấy, người xếp chân ngồi bệt dưới sàn. Một chiếc li con con, đựng vừa mây vừa rượu chuyền cho nhau. Rượu rót ra rồi thì uống, dòng nước nóng hực chảy vào trong bụng, hơi nóng bốc lên đầu, toả khắp thân thể, tay chân như thả lỏng, cảm giác yên bình ngập khắp nơi. Rồi trí óc cũng thả lỏng ra, không còn giữ kẻ, không còn phân chia, chỉ là bạn là bạn và là bạn... Tui nói, bạn nói, tui cười, bạn cười, có người ngồi gật gù, có người vỗ đùi khoái chí, và cứ thế thời gian trôi qua, hì hì, trôi hay đứng ai cần quan tâm. Khi đừng quan tâm tới thời gian thì thời gian đứng lại, nó đứng lại, và niềm vui bên nhau trong khoảng khắc đó được cô đọng, ghi thành một cảm giác thần tiên trong kí ức. Có thể mai này không nhớ ra vui chuyện gì, nhưng trong khung cảnh khỉ vừa vẽ ra, các bạn chính là những thần tiên...

Những ông tiên bạn tui thả lỏng mọi thứ cảm giác, mọi thứ cơ quan để bay lên. Ừ, thiệt đó, tui thấy mình nằm dưới đất, nhìn các bạn, cả cái cuộc nhậu bay lên trên cao, lơ lững, anh này khoa tay, mây hay là khói lùa theo thành một cuộn màu sắc lấp lánh bao lấy quanh người. Anh kia cười, bàn tay cầm li đưa lên, chai rượu khe khẽ rót ra, dòng nước màu nâu ấm chảy xuống, nghe như tiếng dòng suối róc rách đang chảy. Anh nọ nói về thơ, cái giọng trầm trầm như tiếng nhạc thả trôi, chao qua chao lại, đong đưa, đong đưa rồi nhè nhẹ chìm xuống. Các bạn ngồi trong mây, như những ông tiên nhưng thiếu mấy cô tiên nữ!!?? Chết liền nghe, mấy bà chủ ngủ ngay trong những căn phòng một bên đó. Không sao, không có tiên nữ thì có những câu thơ Nguyên Sa
Có phải em mang trong áo bay
Hai phần gió thổi một phần mây
Hay là em gói mây trong áo
Rồi thở cho làn áo trắng bay?
Hì hì, Thuý và Lộc hình như có gói hai cuộn mây trong vali mang ra Huế chụp hình nghe. Nhưng ra Huế lu bu lại không có dịp thay đồ chụp hình. Tiếc thật! Như là
Hay là em chọn sai màu áo
Để nắng “hè” vàng giữa lối đi?
Khề khà trong một chút thơ và một chút mơ màng. Rồi Thuận chợt khơi mào câu chuyện về lịch sử. Anh Sáu Râu chắc hơi nghi ngờ cuốn tự điển bách khoa của tụi này, bèn hỏi gì đó về nhà Mạc! Hì hì, trúng mánh, tiếng Hà vang vang nói về Mạc Đăng Dung, về gốc tích nhà Mạc. Nhà Mạc 60 năm làm vua và hơn trăm năm cát cứ một vùng phía bắc. Hà lại nói tới Mạc Đỉnh Chi, ông tổ 7 đời trước của Đăng Dung. Rồi nói về con cháu đời sau, sau khi nhà Lê trùng hưng, rút về làm vua cõi Cao Bằng, chỉ tan tác khi chúa Trịnh cùng Khang Hi hợp tác tiểu trừ dư đảng Ngô Tam Quế. Tới Ngô Tam Quế thì nhảy từ chính sử sang dã sử! Hì hì, Ngô Tam Quế dính dáng tới Vi Tiểu Bảo mà, bởi vậy Thuận đem câu đố đắc ý, câu này hầu như hồi nào tới giờ Sáu Râu đố đâu bà con bí đó mà, ra đố Hà. He he, Võ Đông Sơ là con ai? Nếu ai đọc chuyện Ngày xưa, chương ba của tui rồi thì câu này không có gì là khó, nhưng trong tuồng cải lương có ai nói tới chuyện tía của Võ Đông Sơ đâu! Hà trả lời ngay lập tức, Võ Đông Sơ là một nhân vật dã sử, nhưng theo thằng cha Tân Dân Tử, người viết ra nhân vật này thì Võ Đông Sơ là con Võ Tánh! Hự! Thuận chỉ còn biết vỗ tay khen hay! Hì hì, thiệt tình loại câu đố này thì Khỉ tui cũng biết nói chi tới thằng cha tự điển kia... May ra hỏi kiểu này thì hơn, ai đẻ ra Võ Đông Sơ?? Hì hì, Võ Đông Sơ là con Võ Tánh. Mà tới Võ Tánh đáng ra phải quẹo qua Ngô Tùng Châu cho gần mấy ảnh không chịu, mà xách câu chuyện nhảy cái ót qua nhà Nguyễn Gia Long!!! Đức khen bộ hình luật Gia Long xuất sắc. Rồi có ý kiến không đồng ý. Hì hì, câu chuyện bắt đầu sôi lên với với mổ xẻ chi tiết của Hà về các điều luật hà khắc trong bản luật Gia Long. Trời thần ông cụ, tui mà biết một chữ trong luật Gia Long thì nói thiệt, cùi liền nghe!!! Đức với Hà nói tới nói lui, thống nhất được là bộ luật đó ra thời đó là đúng. Mới gom hết vạc về một chỗ, nước mưa chảy cũng chưa đầy vạc, thì muốn giữ giềng mối quốc gia cần phải hà khắc, mạnh tay là phải...

Gió thổi một hồi mây tan, trời đêm thêm lạnh, khói đọng thành sương. Bầu trời thượng giới có mấy ông thần, ông thánh, ông tiên buồn tình vén hết mây ra dòm các bậc địa tiên ngồi nhậu. Mây tan rồi, trăng rằm lại hiện. Trăng sáng vằng vặc trên cao, ánh sáng nhẹ nhàng mông lung nhưng còn hơn cây đèn tù mù trên trên hành lang. Trong li rượu bây giờ đong đầy ánh trăng. Thuận hứng chí chạy ra tính nhảy xuống nước ôm lấy trăng, như Lí Bạch ngày xưa. May là trong sân chỉ có một bồn hoa cúc trắng đang đong đưa tắm trăng hay tắm sương tui không rõ nữa. Nhảy vào trong hoa, tay ôm li rượu, hứng trọn cả trời trăng và hương hoa rồi uống cạn. Tui phải phát ghen với mấy ông tiên này, đời người mấy lần có dịp tận tuý, tận hoan trong một đêm trời trong trăng sáng tận trên đỉnh núi phiêu diêu như vầy. Lại có bạn bè một bên, lại không phải là tương biệt, thiệt là đêm vui ngắn tày gang. Vậy mà mình ôm vợ nằm ngủ khì khì, chỉ có mơ thấy chuyện mà thôi. Trăng trải mình, dát vàng lên những sườn núi phía xa. Những tàng cây, ngọn lá đón ánh trăng chênh chếch trở mình thành thứ màu sắc huyền ảo, thứ sắc màu không thể tả bằng giọng văn tường thuật kiểu này được, thứ sắc màu chỉ có thể đem thơ ra mà so thôi! Thơ hả, thơ thì chắc chờ các thi sĩ làm cái đã!! Bây giờ chỉ nói tới chuyện thơ của mấy ông tiên thôi. Mấy ông tiên chờ Sáu Râu bớt hứng chí trở về ngồi bèm đem hình ảnh Lí Bạch ra bàn, bàn cuộc đời xong thì bàn qua tới thơ. Nói tới thơ Lí Bạch lại trong một đêm trăng trên núi cao thì bài gì mới hợp. He he, có mà, hai ông làm thơ, một ông từ điển, hai ông yêu thơ ngồi chung nhau trong cảnh này thì bài Độc toạ Kính Đình Sơn là hợp lẽ. Hì hì, coi thử,
Chúng điểu cao phi tận,
Cô vân độc khứ nhàn
Tương khan lưỡng bất yếm
Chỉ hữu Kính Đình Sơn
Ừ, chim bay hết rồi, bay hết về núi ngủ. Còn một đám mây nhàn nhã, từ từ trôi đi trên bầu trời. Nhìn nhau hoài mà không chán thì chỉ có núi Kính Đình với ta. Hic, bài này sửa một chút cho hợp Bạch Mã Sơn, nhìn nhau mà không chán, chỉ tại đỉnh Bạch Mã có ta và bạn bè. Chữ Hán sửa làm sao? Từ từ rồi tính, để tập trung viết tiếp cái đã. :-). Lí Bạch thì thơ thiếu gì, nhất là thơ cho các buổi tiệc rượu. Mấy bạn tui lại bàn tới những hình ảnh đẹp như hình ảnh của Sáu Râu vừa rồi. Coi thử nè,
Người trong hoa
Hoa, trăng cùng trong rượu,
Uống cạn rượu vào người.
Lơ mơ như là say,
Lơ mơ như là tỉnh,
Ta hỏi ta thì thầm
Hoa, rượu cùng với trăng
Và ta đang nơi đâu?

He he, thơ này của ai trong năm anh chàng ngồi nhậu đó, đố bà con biết? Thấy chưa, nhậu, làm thơ, đọc thơ, uống rượu, uống thơ, nghe thơ, thở, hít thơ. Nếu không tuyệt thì còn cái gì hơn nữa tui thiệt là không biết. Thơ nói ra với nhiều hình ảnh đẹp thì dễ hiểu, dễ cảm, nhưng có những nhà thơ không viết ra hình ảnh mà trong thơ chất chứa không biết bao nhiêu là ý nghĩa. Cái này khó giải thích, nó cũng tới với người đọc như một sự giác ngộ. Hốt nhiên đại ngộ, hì hì, hốt nhiên đại ngộ! Cái khám phá này có khi nói ra tường minh, có khi nói ra không được. Đây không phải là tui nói, là thầy Đức nói, có thể là ăn nhiều bắp cháy đen, đen bóng lận nên lời thầy Đức cũng bóng bẩy và đen thùi khó hiểu thật. Có ai thả rơi một hai dòng thơ xuống bàn nhậu, hình như nói gì đó về một cuộc tình bay biến vào thinh không, đã qua lâu lắc tháng với ngày, tưởng như chôn vùi trong lãng quên, nhưng ai hay con tim còn vọng động hoài... Hì hì, không ngộ ra được là không ngộ ra nổi!!?? Hà chợt hỏi, tình với tâm là cái gì? Tình phát xuất từ tâm hay tâm sinh ra từ tình. Ai đó nói, con tim là phát nguyên của tình cảm, vậy thì tình là do tâm sinh ra. Hì hì, tình do tâm sinh ra, khi tình đi rồi thì tâm còn vọng động là do cái gì? Do tình hay là do tâm? Không trả lời, cái này là một kiểu nói lòng vòng như triết học, như cái trứng và con gà, như hột lúa và cây lúa. Đức lại quay về với thuyết hốt nhiên đại ngộ. Trong một ngày, trong một khoảng khắc nào đó, bỗng đem một bài thơ đọc ra, bỗng nghe một câu hát, một khúc nhạc, tự dưng thấy cảm xúc tràn ngập, mà không thể lí giải nổi, chỉ là ngất ngây, chỉ là như thăng hoa, biến chuyển từ thể rắn vụt sang thể hơi luôn... Bay bỗng, bốc lên và lên cao mút...

Tui thức dậy sớm. Sáng, tụi này còn phải đi lên đón mặt trời tại Hải vọng đài. Mới gần 5 giờ sáng thôi, đêm qua các ông tiên nhậu tới 4 giờ mới chịu vãn tuồng về ngủ. Tui đi gõ cửa các phòng rủ bà con đi lên núi. Phúc ngủ đâu không biết, hình như ngủ trong phòng của Sáu râu. Ai cũng từ chối hết, không chịu đi, mà có muốn cũng đi gì nổi, thức suốt lại uống nhiều, oải mình hết còn đi đâu nữa. Mấy đứa nhỏ còn ngủ, thôi cho chúng ngủ cho ngon. Chỉ có hai vợ chồng tui và vợ chồng Trình Nga cùng đi. Nga vừa đi vừa lo cho chàng Xíu 4 tuổi của mình. Anh chàng thức dậy mà không có người lớn thì khóc nhè, nhưng không sao, mấy anh chàng kiểm lâm chẳng đã nói đi lên và về chỉ mất chừng 1 tiếng rưỡi chớ bao nhiêu, khoảng 6:30 về tới thì chắc Xíu chưa thức dậy đâu!

Khó mà hình dung được cảm giác trong lành và tĩnh lặng của buổi sáng ở Bạch Mã. Tụi này bước chân ra khi bầu trời hãy còn tối mờ mờ. Sương sớm đọng khắp nơi trên ngàn lá, trên những cành hoa không tên hai bên con đường. Mù còn giăng giăng trước mặt, con đường nhựa quanh co chạy từ từ khuất vào trong sương mù, trong vách núi làm cho tui nghĩ mình đang cất bước vào Thiên Thai. Đường lên dốc, cứ lên dốc, chỉ sau mười phút tụi này bước chân qua một ngõ quẹo xuống khu vực Ngũ Hồ. Hì hì, hôm qua đoàn đi lạc đi chỗ này đây. Như vậy không có xa gì đâu, chỉ là không chịu đi cho đúng hướng thôi. Đi thêm một chút, những vách núi bắt đầu giăng giăng chập chùng cùng bóng cây làm cho khu vực tụi này đi qua đã tối càng thêm tối. Trời âm u, gió thổi như tiếng hú, cái lạnh buổi sáng cũng dữ chớ không phải thường. Không sao, những bước chân đi lên dốc làm cho người nóng hực, thay vì mặc tiếp áo khoác, tụi tui cởi hết, cột vào thắt lưng cho bớt nóng. Đi tiếp, trước mặt còn đường thì cứ đi tiếp. Ô hay, một khoảng đường cong vừa hết, trước mắt lộ ra những khoảng trống, chết chưa, bầu trời đã bắt đầu sáng trắng ra rồi. Hì hì, mùa hè mà mình quên mất, những ngày tháng này trời sáng mau như bật cây đèn điện vậy. Như vậy khoảng khắc để có thể chộp được những tấm hình bình mình trên đầm Cầu Hai tuyệt đẹp không còn kịp rồi. Tui với Trình vừa đi vừa nói thầm với nhau. Một cái nhà bên đường, nằm cheo leo trên một vách núi đá. Những tảng đá làm thành một bức vách kè phẳng lì từ trên cao chống xuống mặt đường trông cũng khá ấn tượng. Cái nhà này có cái mái ngói xanh lè, thiệt là ngộ. Tới gần thì ra là nhà máy nước của khu vực Bạch Mã. Hì hì, căn nhà như một cái biệt thự hơn là một nhà máy xử lí nước. Nhưng nước suối khu vực này, ngoài cặn bụi và vi sinh thì không có những tạp chất nguy hiểm nào hết. Việc xử lí nước cũng nhẹ nhàng, không cần đòi hỏi gì phức tạp, bởi vậy người ta xây cái nhà như cái biệt thự chỉ là chứa máy bơm và lọc cùng với công đoạn vô trùng cho nước là xong. Tụi này đi tiếp, qua khỏi nhà máy nước một chút là một khoảng thung lũng khá đẹp, bên dưới tui thấy có những chiếc lều nằm xếp quanh một bờ hồ. Hì hì, cái hồ cạn nhách không có chút nước nào. Mùa khô, tụi này đi lên Bạch Mã nhằm mùa khô!! Bên trên thung lũng, phía tay trái con đường, có một cái biệt thự cổ, trông rất đẹp với những bậc thang bằng đá quanh co dẫn lên một khoảng sân toàn hoa. Nhà nghỉ Phong Lan, cũng thuộc quyền quản lí của vườn quốc gia. Nga và Hiền thấy nhà nghỉ này đẹp quá bèn thắc mắc, sao anh Sinh không chỉ cho tụi mình mướn nhà nghỉ này ta? Trình trả lời, chắc Sinh thấy tụi mình nhiều con nít, mà nhà nghỉ này coi vậy chớ không có khoảng sân rộng cho tụi nhỏ chơi nên Sinh khuyên mình lấy phòng ở khu vực phía dưới. Đồng thời coi vậy chứ nhà nghỉ này không an toàn vì nó nằm cheo leo trên cao, tụi nhỏ lỡ chạy trợt té cái là tiêu. Chính xác là như vậy, vì nhà nghỉ coi vậy nhỏ chút xíu, không đủ cho số khách lớn như đoàn của tụi này và không an toàn cho đám con nít hiếu động của tụi tui...

Vuợt qua khoảng hơn hai cây số, tụi tui đi tới bưu điện Bạch Mã. Bưu điện cũng có kiểu cách như một nhà nghỉ cao cấp, lạ thiệt, hình như trên đỉnh núi này người ta không cho xây dựng mới, chỉ được phép xử dụng lại những toà biệt thự xây từ thời Pháp. Chắc là vậy nên chỉ toàn thấy biệt thự là biệt thự. Hì hì, bước khỏi bưu điện vài bước là thấy một chiếc cầu nhỏ. Ô hay, khoảng trống nhỏ này nhìn xuống một không gian hết ý. Mặt trời ngoi đầu lên khỏi mặt biển trước mắt, núp lấp ló một bên rặng núi thiệt lớn, thò chân ra biển. Trình và tui đứng lại chụp hình. Không kịp lên Hải Vọng Đài thì chụp ở đây cũng được vậy. Hai đứa chụp hình phong cảnh và chụp cho hai bà chủ! Trình là tay máy chính nhưng không may là máy Trình chụp vài cái thì hết pin. Hì hì, hôm qua dọn đồ lên núi bỏ quên cái cục charge pin dưới xe rồi. Lấy máy tui vậy. Chụp cũng khá nhiều hình. Đứng trên cao này nhìn xuống phía đầm Cầu Hai, hay là Phá Tam Giang gì đó thấy cảnh trí thật là đẹp. Biển lấn vào sâu trong đất. Một khoảng mênh mông trắng xanh lẫn trời lẫn nước. Còn sớm lắm, sương mù còn giăng mắc khắp nơi. Núi rút về phía sau, chen vào giữa núi và biển là những khoảng đất bằng màu xanh chia ô be bé. Con sông, một hay hai con sông chảy mềm mại trong khoảng bình nguyên xanh màu lá ấy! Như dãi lụa, đứng trên này mới thấy con sông thiệt là y như một dãi lụa mềm ai đó đánh rơi. Những khúc quanh mềm, tự nhiên, ẻo lả chạy ra hướng biển. Đất và biển xoắn xít nhau như trong một vũ khúc mê hồn. Tui cố chụp cho được một tấm hình nhưng không rõ lắm, sương mù che dày quá làm cho tấm hình của tui không đạt yêu cầu. Tiếc thật! Tụi này đứng ngắm cảnh, nhìn say sưa cái khoảng khắc mặt trời nhô đầu ra khỏi núi, nắng bắt đầu chạy đi, chạy đi xua tan bóng tối chập chùng trên các vách núi. Bóng tối rút dần, rút dần trông như có ai kéo cái màn cửa sổ cho nắng vào trong phòng vậy.

Tụi này tiếp tục đi lên. Chỉ chút xíu là thấy bảng cây số 19, như vậy là tới đỉnh núi, hết đường nhựa rồi. Ngay khu vực cây số 19 có một cái nhà nghỉ khác, cái này thuộc quyền quản lí của khách sạn Morin, Huế. Không thể đặt phòng ở khu này, chỉ có khách nghỉ tại Morin mới có quyền đặt phòng ở đây. Hì hì, và khách sạn này cũng quá nhỏ, nghe nói khoảng 6, 7 phòng ngủ thôi. Con đường nhựa chạy từ cổng vườn quốc gia lên tới trên này là chấm dứt. Nó nối vào một con đường hẹp, lót bằng đá xanh từng khối từng khối như những cái lề đường cũ ở Sài Gòn. Tụi này tiếp tục đi theo con đường này vào trong những khu vực vách núi dựng đứng. Lâu lâu, núi cũng hụt hơi rơi tòm xuống để trả lại cho con mắt tụi tui quang cảnh của đầm Cầu Hai. Đi qua một cái hang, không biết là hang gì, cũng có cái cổng hang làm bằng đá xây thành vòm. Nhìn vào trong chỉ thấy đá đất đổ xuống tùm lum, gió trong hang thổi ra hun hút. A ha, như vậy cái hang này thông! Đúng vậy, những cái hang trên các vách núi này chính là những cái cửa cống thoát nhanh nước mưa từ các vách núi đổ xuống. Người Pháp ngày xưa cho đào nhiều hang lắm để giữ cho con đường đèo không bị lở vì nước xói mòn. Bây giờ đa phần sụp đổ hết rồi, chỉ còn vài cái thôi... Tụi này cứ đi, khoảng đường từ cây số 19 lên tới Hải Vọng Đài theo người ta nói chỉ có 700m mà đi lâu lắc không tới. Tui nghĩ thông tin đó không chính xác, theo ước lượng bước chân của tui thì ít nhất cũng là 1500m. Đi một hồi, đường không xa lắm, chỉ vài cây số nhưng cứ phải đi lên dốc, mồ hôi toát ra ướt cả lưng. Bây giờ gió hay lạnh không còn đủ xua cái nóng trong thân thể tụi này toả ra nổi nữa. Có một ngã ba chia con đường làm hai hướng. Hì hì, cứ thử theo đường mòn này xem sao. Tụi này bỏ con đường chính, theo đường mòn đi vô trong một khu vực rừng tre và cỏ tranh. Rồi leo lên những bậc thang bằng đá. Leo hoài, leo hoài, nhảy qua những đoạn thang sụp, vẹt lối đi trong um tùm cỏ tranh, quyển bá, dương xỉ. Cuối cùng cả 4 đứa lên tới một đỉnh núi, đi vài bước ra khỏi đoạn cỏ cao là tới một phiến đá khá phẳng. Hì hì, bốn phía trên đầu trống trơn, chỉ còn gió, mây và bầu trời thôi. Tụi này nhìn thấy Hải Vọng Đài trước mặt, nhưng ở đỉnh núi thấp bên kia. Không có con đường nào để đi tiếp sang Hải Vọng Đài!! Hì hì, đỉnh núi này cũng nhìn xuống phía đông nhưng tầm nhìn bị chắn bớt bởi một vách núi thấp hơn. Trình bước men ra phía ngoài khối đá, ô hô, một vách dựng đứng rơi xuống chừng mút tầm nhìn. Chỗ này mà té là xong chuyện, khỏi cần tới Luật Sư hay nhà đòn nghe. Tui tính đạp cỏ bước xuống cái thung lũng hướng về phía Hải vọng đài nhưng không thể, cỏ tranh cao và sắc như dao, xẹt một cái cắt chân tui một nhát chảy máu liền. Thôi đành quay lui vậy.

Quay lại đoạn thang vừa đi qua, tụi này tiếp tục đi theo con đường lát đá. Hì hì, đi chút xíu lại tới một ngã ba, có bảng chỉ dẫn đường đàng hoàng. Tại đây còn một cái bệ có bảng đề nước uống. Hì hì, khát quá gặp may. Nhấn cái nút không thấy nước chảy ra, Trình bèn xoay xoay tháo cái nút ra, hì hì, cái vòi bị kẹt, nhấn nhấn hai ba phát tịt ngòi luôn. Lấy tay kéo cái núm nhỏ lên tí xíu thì nước vọt ra. Bốn người lần lượt uống. Nước mát và ngọt thiệt!!?? Rồi tụi này tiếp tục đi, chỉ hơn trăm thước đã thấy Hải vọng đài trước mặt, hì hì, lại leo thang!!!

Hải vọng đài là một cái nhà hai tầng hình bát giác, có rất nhiều khung cửa sổ kính. Gió trên đỉnh núi này rất lớn, thổi ào ào không ngừng chút nào. Tụi này đứng nhìn khắp bốn phía. Phải công nhận người Pháp thật là tuyệt khi chọn nơi này xây đài quan sát. Đỉnh núi mang cái đài này có chiều cao chỉ 1280m thôi, nhưng nó là cái đỉnh núi nằm cô độc, một mình trong khu vực này thành ra tầm quan sát của nó là lớn nhất. Trong khi cái đỉnh tụi này trèo lên hồi nãy cao hơn 1300m, cao nhất trong những đỉnh bên sườn đông Bạch Mã, nhưng bị khuất gần hết. Những thông tin tui viết ra ở đây là lấy từ cái sa bàn Bạch Mã đặt bên trong Hải Vọng Đài. Hai bên nhà quan sát có hai cái ông dòm thiệt hiện đại, to tướng và trông hết sức gồ ghề, chắc chắn trên những cái đế kim loại. Tụi này nhìn bảng chỉ dẫn sử dụng, rồi cười buồn. Hì hì, bỏ vô một đồng năm ngàn thì khởi động được máy. He he, ai mà biết trên đỉnh núi có ống dòm để sẳn, thông tin trên web cũng như tại nhà nghỉ không có chữ nào nói về chuyện này làm sao chuẩn bị cho có mấy cái đồng 5000 đây! Tiếc thật vì với cái ống dòm này, từ trên này nhìn xuống sẽ cho một cái nhìn rất đẹp tới tận khu vực thành phố Huế cơ (bớt chút cũng được)Smile!!! Tụi này lại chụp hình và bước vô trong nhà bát giác Hải Vọng Đài. Trong nhà có một bộ sưu tập bướm của Bạch Mã. Cũng rất đẹp và lạ, nhưng số lượng không nhiều, chừng khoảng hơn hai chục loại. Theo anh chàng kiểm lâm mà tui hỏi thì những loài bướm này chỉ có tại Bạch Mã không có chỗ khác. Chứ nếu làm sa cạ thì số lượng bướm trên này lên tới vài trăm!!! Không biết có nói thêm không nữa??? Gió trên này rít ghê người. Trình dùng máy tui chụp tự động một tấm hình cho bốn người mà sợ gió làm ngã máy nên kiếm cục đá dằn lên cái dây cho chắc ăn. Hì hì, anh Trình tức cảnh không gian bèn thốt lên, lên cao rồi thấy biển như cái ao, ruộng nương như những mảnh áo vá, sông như sợi chỉ bỏ quên!!! Hì hì, Thiệt là như vậy mà...

Trên đường đi về, Nga thấp thỏm lo là Tí với Xíu đã thức dậy rồi. Nhất là anh Xíu có thể đang khóc bù lu bù loa ở nhà. Đường về không có gì để nói, chỉ có gặp một chú rắn to tướng bò loạt xoạt bên vệ đường. Hì hì, con rắn có màu đỏ của lá trâm đỏ ngọn, một loại cây riêng của Bạch Mã mà tui nói ở trên, và loang lổ trông rất kinh dị, thêm vào cái đầu nhọn hoắc kiểu mũi dùi. Tui không dám đứng lại chụp hình, vì lỡ nó không được vui nhảy xổ vào người thì hic, chạy không kịp. Nhựt nghe kể cứ trách chú Vũ nhát gan, hì hì, kệ nó, khỉ kị rắn lắm. Cô Việt kiều Mỹ Anh dậy trể, muốn lên đỉnh núi chụp hình mà sợ đi về không kịp, hì hì, cô nàng nhanh trí nhờ một ông kiểm lâm làm xe ôm kiêm luôn dẫn đường chạy phom phom ngược chiều tụi này lên núi. Tụi này về tới nhà khoảng hơn 7 giờ sáng, thấy Như, Chi, Tí, Xíu, Nhựt đang loăng quăng chạy chơi trước cửa nhà ăn. Tí dậy trước, Xíu dậy sau, anh Tí đi chơi mấy ngày biết làm người lớn, kêu em dậy đi đánh răng, rửa mặt thay áo quần, rồi qua phòng cô Loan chơi. Cô Loan cũng dậy sớm trông mấy đứa nhỏ. Tụi này về tới nhà là lo ăn sáng liền, rồi lên phòng soạn đồ một chút. Chương trình còn một mục hấp dẫn nhất là thám hiểm thác Đỗ Quyên. Sau khi ở thác Đỗ Quyên về bọn này sẽ lên xe, không ăn trưa tại Bạch Mã mà đi thẳng về Huế ăn trưa luôn! Vì vậy các nhà phải chuẩn bị thu dọn gọn gàng rồi lên đường. Chú Hà hôm qua thăng hoa thành hơi, tới gần 4 giờ sáng mới chịu đi ngủ nên hôm nay người thì dậy rồi, ngồi ăn sáng uống cafe mà phần hồn chưa kịp quay về, còn đang bay đâu đó trong bạt ngàn núi rừng Bạch Mã nên không đi thác Đỗ Quyên nổi. Hì hì, vậy là thiếu mất một khâu quan trọng trong dây chuyền bốc vác rồi. Cô Hương giao cho chú Hà nhiệm vụ liên lạc xe cộ để khi quay về kịp xuống núi có xe liền. Khỉ tui được nhấc từ người đi cuối thành người dẫn đường. Hì hì, chuyện gì chớ đi trong rừng trong núi mà không có người hướng dẫn lò mò lạc một cái thì ô hô đi rục cẳng nghe. Khổ một cái là nếu giao nhiệm vụ này cho Phú thì sợ là đi tới mai cũng chưa ra khỏi thác Đỗ Quyên mà xuống Huế.

Trước khi đi có phổ biến nội quy mới cho cả đoàn, bọn con nít không đứa nào được phép qua mặt chú Vũ, cho dù mặc áo đỏ vua leo núi như bé Như hay áo vàng chung cuộc như Trí đều phải đi sau người dẫn đường. Chú Vũ vừa bỏ chân bước đi vừa lo lo trong bụng, hì hì, cũng như mọi người thôi, chú Khỉ nhà ta chỉ được hướng dẫn sơ sơ về đường đi, và chưa bao giờ đi qua, làm sao đây, liều mạng thôi mà, nhiều khi hay không bằng hên! Cả đoàn thả bộ xuống con dốc, con dốc dài cứ chúi xuống hun hút không hết. Những cây tre từ trên núi thả mình xuống các vách núi trông ngồ ngộ. Cô Loan thắc mắc sao cây tre này không chịu mọc lên mà lại mọc xuống là sao? Hì hì, cây tre như tui nói, muốn vượt lên kiếm nắng nên mọc dài nhòng, mỗi đốt dài cả thước. Mọc nhanh quá nên cây ốm nhom, yếu nhớt. Trong rừng, tre nương vào những cây to, hay cây này tựa cây kia mà mọc thẳng lên. Còn bên bờ vách núi, có những ngọn tre mọc lên không có chỗ tựa mình, chỉ còn cách thả rơi xuống vách núi mà thôi. Giải thích hợp lí, Thuý ghi cho tui một điểm. Đi xuống dốc chừng cây số rưỡi, tới một điểm đậu xe quay đầu là đường mòn dẫn xuống thác. Khỉ già cũng không biết là chỗ đó, chỉ lon ton đi tới coi thử bảng ghi cái gì? May mà ngay chóc nên làm bộ làm tịch ngoắc bà con đi tới. Nhóm đi lạc do Phú dẫn đầu không để ý bang bang đi thẳng luôn xuống làm phải kêu ơi ới. Đã nói là Phú có năng khiếu dẫn mọi người đi lạc mà. Bà con tụ họp lại đầu đường, xoa thuốc chống vắt và uống nước bằng cái vòi bên đường. Vòi nước này không bị kẹt, nước mạnh quá, bấm một cái xịt vô mặt luôn làm cho ai đó kêu oai oái. Trong hành trang đi thác của tụi này chủ yếu là máy chụp hình và nước uống. Tui thông báo là có 3 km đường mòn để tới đỉnh thác. Rồi nối đuôi nhau đi vào thành hàng một. Bước vài bước là rừng nguyên sinh nuốt chửng cả đoàn trong bóng rừng mù mịt. Tui đi cùng Như, Nhựt, Nhím phía trước. Đường độc đạo không có gì khó khăn, cứ thế mà bước. Chỉ thỉnh thoảng con đường ngóc đầu lên hay chúi mũi xuống làm cho bà con phải thận trọng từng bước chân. Đường nhỏ lại men men theo núi, một bên là vực với mịt mù cây. Cứ đi, đi miết, anh Sáu Râu xách hai chai nước đi một hồi, đem một chai dấu vô trong kẹt. Xách chi, chai này là dự trữ , khi về hết nước thì sẽ biết tác dụng liền mà. Đi quanh qua quẩn lại một hồi, vượt qua vô số những chiếc cầu bắt qua những con suối khô cạn mùa khô, tụi này tới bên một hồ nước nhỏ. Nước trong vắt thấy đáy, bên bờ hàng tre rũ bóng trông nên thơ lắm. Phải chi mà có một cái nhà tranh nho nhỏ, có một ông già râu trắng như bông lò dò bước ra thì y như sách rồi. Đi tiếp, vượt qua một con suối khá lớn bằng một cái cầu là một thân cây ngã bắt ngang. Bọn nhỏ đi nhiều nóng nực thấy nước liền nhào xuống. Rửa mặt cho mát, mấy người đẹp lo chụp hình. À! có cái rất lạ là trên Bạch Mã không thấy suối có con cá nào. Cả cái hồ nhỏ tui nói hồi nãy nước trong veo cũng không thấy cá bơi!!! Không biết tại sao? Bé Chi giải thích là vì núi cao quá, cá bơi không lên nổi nên không có cá. He he, cũng có lí. Rồi tiếp tục, con đường đi còn dài. Đường độc đạo, lại có vài chỗ trèo lên trèo xuống nên tui lui cui một hồi lọt lại phía sau. Bây giờ dẫn đường là Như, Nhím, Nhựt và bác Đức nhà ta. Hì hì, tui đỡ những người cuối qua khỏi một chỗ trũng xong đã nghe phía trước kêu ơi ới. Chạy vọt lên, hì hì, đường chia ba ngã luôn. Một cái đi thẳng luôn vào trong rừng, leo lên hai bước có con đường chạy đi hai phía. Đi phía nào? Có bảng chỉ đường nè, một cái chỉ vô thác Ngũ Hồ, một cái chỉ đi Đỗ Quyên, nhưng tới vài bước lại có bảng khác chỉ trật lất!!! Trời thần, tui tự để cho bộ định hướng của khỉ làm việc, và quyết định quẹo theo tay phải. Hì hì đã nói là hay không bằng hên, ngay chóc, đi thêm chút nữa là tới ngay một đoạn suối khá lớn, đá to, đá nhỏ nằm chơi la liệt. Rồi con suối mất tích ngay sau một cục đá to thiệt là to... Đỉnh thác Đỗ Quyên!!! Khỉ già thở phào, trưởng đoàn Thanh Hương thiệt là biết chọn mặt gửi vàng he he...

Mùa khô, con suối không chảy tràn mà len lỏi chạy dưới những hốc đá. Rồi suối đổ ra một vũng nước to, tạm gọi như là hồ cũng được. Bọn nhỏ lập tức túa ra chiếm chỗ ngồi nghỉ. Một cái bảng to, ghi rõ ràng thác Đỗ Quyên cao 300m! Từ đỉnh thác đi xuống có 689 bậc thang rất khó đi, cần có sức khoẻ tốt để leo xuống thác, xin du khách thận trọng. Thuý cản bà con không nên xuống thác, nhưng Hương nói ai đi được thì đi, ai không đi được ngồi trên này chờ. Hì hì, mấy ông Đức, Phú, Phúc, Thuận tối hôm qua nhậu hết sức còn đâu mà đi. Trình thì hồi sáng leo núi cũng thấy rã giò rồi. Nhóm phụ nữ gồm Thuý, Thuỷ, Loan, Mỹ Anh cũng nhắm không đủ can đảm. Nhóm con nít thì Xíu, Nhím, Trí, Chi không đi. Như vậy trong nhóm đi xuống toàn là phụ nữ và con nít. Nga, Hương, Tâm Hiền, Nhựt, Khoa, Trâm, Như, Tí phăng phăng đi xuống. Tui vốn tự nhủ chuyện leo cầu thang với mình là một cực hình nhưng một đoàn đi mà không có ông nào thì không được. Thôi đành hi sinh vậy. Y như rằng, một trăm bậc thang đầu vượt qua gọn gàng, vì bậc nào cũng tương đối thấp, đường đi xuống lài lài. Nhưng tiếp theo vài chục bậc thang nữa là anh Khoa trật chân. Phải quay lại một mình thôi anh bạn, mọi người phải để dành sức của mình cho cuộc thám hiểm tiếp tục, không thể cáng đáng cho anh đâu. Khoa quay lên, tụi này với Tí, Nhựt, và Như dẫn đầu tiếp tục leo xuống. Tui vừa coi chừng đằng trước vừa ngó đằng sau, Mẹ con Thanh Hương và Trâm cứ tụt dần tụt dần rồi khuất đằng sau. Bọn con nít vẫn đi xuống hết sức khí thế! Hì hì, những bậc thang bắt đầu chúi thẳng đứng xuống. Bề ngang từng bậc nhỏ chút vừa đủ để ngang bàn chân trong khi mỗi bước lại sâu hút, có chỗ sâu cả sáu bảy tấc. Bọn con nít quay lưng lại bò xuống từ từ. Tui phải xuống trước. Từng bậc, từng bậc, mới đầu Như và Nhựt còn đếm, một hồi thở ra khói quên tuốt là bậc thứ bao nhiêu. Rồi tới một đoạn cong ẹo, nhìn từ trên xuống cái thang chui tọt vào một vách núi mất tiêu. Hì hì, nghỉ một chút! Tụi này đứng thở, vừa thở vừa tưởng tượng đến lúc trở lên! Khỏi tưởng mất công, một nhóm thanh niên nam nữ đang lò dò bò lên. Tui nói chính xác là bò chớ không phải là đi. Tay nắm chắc vào lan can vịn tay bằng sắt, từ dưới họ nặng nhọc nhấc chân lên bậc trên rồi kéo cả người lên vừa bằng tay vừa bằng chân. Mặt người nào người nấy xanh lè như đít nhái, hơi thở hỗn hễn. Một anh chàng thanh niên dừng lại nghỉ, anh ta cất tiếng khuyên đừng xuống. Lên không nổi đâu!!! Trời ơi, còn xa không? Được hai phần ba rồi, nhưng đi lên khó quá, mệt lắm. Cô bạn gái của anh ta mặt xanh lè, thở không ra hơi, im lìm không nói. Hỏi tụi con nít, đi nữa không? Lỡ rồi, tiếp luôn! Nói trước nghe, lượng sức mà tính chớ leo lên thì hồn ai nấy lo đó. Hì hì, đi tiếp, cứ xuống, xuống hoài, như xuống một địa ngục xanh đầy lá. Những vệt nắng lọt qua tàng lá trên kia chiếu xuống những bậc thang thành màu sắc lung linh. Nói lá rừng lọc lấy nắng cũng đúng. Đường càng xuống sâu càng đẹp, có những góc nhìn cho thấy diện mạo một cái rừng già trong nắng sáng cũng lung linh và huyền bí như bản thân nó vậy. Một ông già lom khom trèo lên, ông nói tới đây thì phải ráng đi tiếp. Ở dưới sẽ có đền đáp cho người chịu ra sức đó. Đẹp lắm hả chú? Ừ, đẹp lắm, không đi uổng lắm, nhất là thác này chỉ đi được trong mùa khô này thôi, mưa không thể nào đi được. Vậy thì có động lực rồi, đi tiếp. Xuống, xuống nữa cuối cùng tụi này xuống tới những bậc thang cuối. Ô hô! Cái thác cao ngút trời kia. Người ta làm một chỗ đứng xem thác bên vách núi, có hàng sắt tròn vây quanh. Chụp hình, hoan hô, chúng ta là những người tới đích.

Thác Đỗ Quyên có tên như vậy vì nó là giang sơn của loài chim cuốc. Người ta nói chim cuốc tập trung tại đây rất nhiều, kiếm ăn nơi đáy thác. Có con buồn buồn nhào vô thác mà thác. Thác từ trên cao đổ xuống trước một vách đá đen dựng đứng như đâm vào bầu trời. Đứng chỗ này nhìn lên không thấy đỉnh thác. Những tấm hình chụp khuất một cây to nên không thể cho thấy hết cái chiều cao kinh khủng được. 300m chiều cao, không hình dung ra trong đầu nổi cái chiều cao 300m. Dòng nước mùa khô không lớn lắm, từ chỗ này nhìn lên như có vô số cọng chỉ bạc rũ xuống. Nắng chiếu vào dòng nước như một cuốn lụa trắng, ánh lên những màu sắc như cầu vồng. Tất cả nổi bật trên nền đá núi đen. Những giọt nước rơi, vỡ nơi lưng chừng trời, bắt ánh nắng thành cánh bướm. Nhìn lên thấy như vô số bướm bay chập chờn nơi vách núi. Ở cái thác cao này sức mạnh không nằm trong dòng nước mà nằm trên cái vách núi. Một sự hùng vĩ và kì bí. Tui không biết làm sao trong thiên nhiên lại hình thành một vách đá to khổng lồ và dựng đứng cao như vậy. Những vết cắt trên khối đá, nhìn từ dưới này lên nhỏ xíu, mỏng nhưng nếu được nhìn gần chắc khủng khiếp và mạnh mẻ lắm. Một bề mặt to lớn, hơi gồ ghề của vách núi hớp hồn tui. Tui đi nhiều, thác ghềnh coi cũng khá, nhưng thác Đỗ Quyên là cái thác cao nhất tui từng thấy trong đời. Những thác khác, dòng nước chảy xuống hoặc to hoặc nhỏ hầu hết che mất cái vách núi rồi, không có thác nào bày ra một vách núi như thế này. Thiệt là cũng đáng công sức bỏ ra. Muốn thấy hết cả thác một cách thuận lợi thì phải theo một con đường đất nhỏ bước luôn xuống đáy thác. Tui không dám xuống thử. Vì tui mà chui xuống thì bọn nhỏ, nhứt là Nhựt thế nào cũng nhào xuống theo. Con đường đất vốn cũng là những bậc thang nhưng mưa gió đã xói mòn không còn nhìn ra từng bậc nữa. Leo trèo là nghề của tui, không đáng ngại lắm, nhưng bọn nhỏ nếu xuống gặp những đoạn khó đi mà chỉ có mình khỉ không thể đỡ nổi thì he he, dở khóc dở cười... Tui đứng nhìn cái thác ngơ ngẩn, thử hình dung con thác mạnh mẽ, với dòng nước cuồn cuộn ào ào chảy của mùa mưa. He he, nghe nói thác mùa mưa có khi lôi theo đất núi nhuộm thành màu đỏ, những khi đó người ta nói cuốc kêu nhiều lắm, dòng thác đỏ máu Đỗ Quyên! Ô hô, kêu làm gì vong quốc hận, nhỏ máu đỏ tươi. Không nghe Bạc Tần Hoài sao: Thương nữ bất tri vong quốc hận, Cách giang do xướng Hậu Đình Hoa. Hì hì, muốn coi dòng nước mạnh ấy chỉ còn cách thử lại tới đây vào mùa mưa. Trong đầu khỉ có dự tính dính với những cuộn dây thừng để vượt suối, dây lưng an toàn, búa móc... các thứ. Nhưng thôi, tạm nghe tiếng thác chảy, nhìn dòng nước vỡ tung nơi đáy thác, hứng nắng sáng hay nắng trưa gì đó thành những cầu vồng rơi lác đác trên đá vậy!!!

Tụi này quay lên, chưa được bao nhiêu bậc thì thấy Thanh Hương và bé Trâm lò dò đi xuống. Bé Trâm bỏ giày đi vớ. Đôi giày mẹ Hương mua cho Trâm chật quá làm chân con bé bị phồng dộp. Đành cởi giầy ra đi chân thôi. Vậy mà hai mẹ con không chịu bỏ cuộc, cứ vừa đi vừa nghỉ mò mò cũng tới đích. Hương tiếp tục đi xuống, tụi này đi lên. Bọn nhỏ chạy bang bang lên trên đã khuất bóng. Tui vừa đi vừa thở, vừa làm bộ hết sức để chờ Hương. Nga và Hiền đi lên trên. Nga lại chỉ hai vợ chồng tui cách thở bằng bụng để giảm nhịp tim đập. Hì hì, cũng hiệu nghiệm lắm! Thở bằng bụng trước hết làm cho tui không còn thở phì phò nữa. Nhưng thiệt ra vừa đi vừa nghỉ chờ hai mẹ con Thanh Hương thì không có mệt bao nhiêu. Lại chụp hình, nói thiệt tới đoạn này chụp tấm nào hư tấm ấy, vì tay tui nó tự động run bần bật, cố kềm cũng không được. Tui quay người xuống hú hỏi Hương tới đâu? Ai dè Hương cũng theo tụi này gần xịt. Hì hì Trâm vừa đi vừa thút thít khóc vì mệt quá, Mẹ Hương vừa dỗ vừa nói về khả năng chiến thắng bản thân mình. Trông hình dáng hai mẹ con thảm hại thiệt. Đôi vớ của Trâm cạ vào đá rách teng beng, mặt mày nước mắt nước mũi tèm lem, lem luốt như cô bé lọ lem. Mẹ Hương thì cột hai chiếc giày của Trâm vắt trên cổ, tay dắt con bé, tay vịn vào lan can, mặt mũi đỏ bừng bừng, áo quần lệch lạc, chân bước thấp bước cao, tóc tai rối bời!!! Cuối cùng tụi này lên tới đỉnh thác! Như, Nhựt và Tí đã lên tới nơi. Anh Nhựt nhảy xuống tắm suối tiếp. Công nhận có đi mới thấy bọn trẻ con của tụi này khoẻ thật, mấy đứa ròm ròm như Nhựt, Tí, Nhím, Như... đều đi bộ rất giỏi. Lên tới nơi, uống nước, nghỉ một chút. Chú Trình có bàn chân nhỏ như con nít, đổi mang đôi giày của Trâm, còn Trâm mang sandal của chú. Hì hì, may mà có chú Trình chân nhỏ xíu nhỏ xiu, chớ không thì chỉ còn cách cõng cô nhỏ về nhà thôi. Đi đường rừng mà không có dép, giày thì gai đâm lủng chân tức thì.

Con đường quay về sau khi từ thác bước lên bỗng trở thành dài quá. 4,5km là chiều dài đoạn đường. Mọi người chia nhau nước uống, uống miết, uống miết. Anh Phú nhà ta đang đi bỗng gọi hỏi Thuý về chiếc máy chụp hình. Trời đất hai người chuyền qua chuyền lại chẳng lẽ bỏ quên máy trong thác rồi sao? Quên thiệt, chết thiệt, Phú hỏi Thúy có cầm cái máy không? nếu không thì Phú sẽ quay trở lại kiếm.. Tụi tui nghe nó nói mà đổ mồ hôi lạnh, nghỉ tới phải đứng giữa rừng ẩm ướt chờ Phú trở lại, mà mùa này rừng nhiều vắt, đứng một chỗ phải nhảy lambada, sợ vắt nghe hơi người búng ra đeo cắn. Mỹ Anh chợt hỏi Phú, coi lại túi quần đi, sao túi quần cộm dữ dzậy? Phú nói không phải, là gói thuốc lá. Hiền hỏi sao bụng anh Phú bự quá, để cái gì ngay bụng phải không? Hì hì, Phú chụp tay xuống bụng mình, thì ra đeo cái máy tòn teng bên thắt lưng mà không nhớ. Tụi tui cười một trận làm Phú quê quá trời. Mới đi có mấy cây số trong rừng mà nó lẫn mất rồi. May chứ không thôi ông này quay vô tìm một hồi hoảng vía lạc đường nữa thì toi... Phú chống chế, hồi nãy tao đeo bên hông, đi một hồi nó chạy ra trước bụng, ai mà thấy. hi ..hi.. bụng lớn sẵn rồi, nên thêm cái máy chụp hình nó cũng không lớn thêm bao nhiêu, hèn gì không hay... Hết nước uống, chú Thuận ơi còn nước không? Bọn nhỏ hỏi chú Thuận, còn, chú có cất một chai nước chỗ kia, gần tới rồi, ráng chút là có nước uống liền. Hì hì, chú Thuận kinh nghiệm cùng mình, quả nhiên là có nước, bọn trẻ chia nhau uống, tui cũng ké một chút. Khỏe rồi, tiếp tục đi về thôi. Đi về tới đầu đường mòn, mọi người thấy khoẻ hơn. Lại tới uống nước ngay cái vòi xịt vô mặt. Càng đã, mát quá, hì hì. Tới đây thì khỉ tui hết nhiệm vụ, bèn mua một lon Coke để bù đường. Hì hì, thiệt ra là không phải thiếu đường mà là đổ mồ hôi nhiều quá, hụt mất muối trong máu, hai tay tui nó lạnh ngắt, run quá chừng là run. Uống Coke cũng đỡ! 1,5km đường nhựa hồi đi thấy gần xịt, hồi về mới biết là không gần chút nào. Tâm Hiền với Như An bang bang đi về cho lẹ vì cần tắm một cái. Tui đi cùng con gái nhỏ của tui. Con bé hơi đuối, phần là ngồi chơi lơ đãng lọt ùm xuống suối, ướt hết áo. May mà cô Lộc và Chi cùng size nên mượn cái áo khoác của cô Lộc thay vô (nói như vậy không phải con tui bự như voi nghe bà con, mà tại cô Lộc nhỏ con như con mèo nhỏ!!! Bởi vậy mới có biệt danh Pretty Woman chớ ). Hì hì, hai cha con tui đi một hồi đổi kiểu đi thụt lùi không thôi. Vì như tui nói, hụt điện giải mau chóng làm cho tui bị vọp bẻ. Chỉ còn cách đi thụt lùi về nhà lấy thuốc uống là khỏi liền. Cuối cùng, qua hết mọi gian khổ, tụi này về tới nhà nghỉ, nhà tui về sớm tranh thủ tắm một cái rồi dọn đồ ra trả phòng. Hương và bé Trâm hết xí quách, chịu thua đành ngồi ngay tại đầu đường mòn chờ xe tới đón. Nga với Xíu cũng vậy! Hì hì, bà con trả phòng xong, mấy chiếc xe trung chuyển chờ bọn này sẵn. Lên đường! Tạm biệt Bạch Mã, tạm biệt!!!

Tui muốn viết tiếp một chút đoạn kết của chuyện Bạch Mã. Viết về cái gì? À, viết về những người chiến thắng bản thân như nhóm chinh phục thác Đỗ Quyên. Viết về chuyện mượn Thác Đỗ Quyên để kiểm tra sức khỏe hàng năm. Cái khó khăn trong chuyến đi là do đường đi quá dài, những bậc thang quá nhiều và cao. Nhưng thật sự không phải là quá khó. Cái chính là chúng ta vượt qua được sự khiếp sợ! Chúng ta đối diện với một thách thức chưa từng vượt qua, không có chút kinh nghiệm nào về nó, kệ, cứ bước tới, cứ đối diện, không sợ, không được sợ thì chúng ta sẽ bước qua được thôi. Tại sao chúng ta sợ? Tại vì chúng ta cứ nghĩ xa hơn cái chúng ta phải đối diện, nghĩ như vậy mà không biết làm sao, vì không có chút thông tin nào cả mà. Chính vì vậy chúng ta sợ hãi. Hì hì, chưa thử mà cứ nghĩ xa xôi rồi sợ thì không làm sao thực hiện được. Đó là cái mà tui nghĩ ra sau khi từ dưới thác bước lên!!! Vậy thôi, chỉ một chút suy nghĩ ngắn ngủn như vậy, nhưng nó chính là từ trong mồ hôi mà ra đó nghe... Bọn nhỏ như Tí, Như, Nhựt không thèm nghĩ gì hết và chúng vượt qua mọi chuyện dễ ợt thấy không... Còn bà xã tui thì chỗ nào ly kỳ, bí hiểm thì khoái , đi cho được, mà đi khỏe thiệt nghen, tui còn phải khâm phục.

cò vũ
Cò Khổng Lồ
Cò Khổng Lồ

Tổng số bài gửi : 13
Join date : 10/02/2011

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết