Con Cò
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Mĩ Tho, tát mương bắt cá

Go down

Mĩ Tho, tát mương bắt cá Empty Mĩ Tho, tát mương bắt cá

Bài gửi  cò vũ Sat Feb 12, 2011 6:20 pm

Mĩ Tho
Hoa màu tím trên cù lao Thới Sơn, tức cù lao Lân Mĩ Tho, nhiều lắm. Bước chân từ đò lên đất liền là có một dàn hoa tên là Tử Đằng rũ mành đón tiếp. Tui nghe nhiều người nói tới hoa Tử Đằng nhưng hình như ít người biết mặt mũi nó ra làm sao. Hai đứa con tui cũng đọc trong sách ra cái tên hoa Tử Đằng bèn hỏi ba nó nhưng không tìm ra dàn hoa nào ở Sài Gòn để chỉ cho chúng biết. He he, lần này thấy là chỉ liền. Vừa chỉ xong là có Thuý kiểm chứng ngay, thì ra hoa Tử Đằng khi lột hết cánh hoa chỉ còn cái lõi bên trong thì nó phải có hình con thỏ! Hú vía, may mà mình không nói bậy... Cũng lạ cái loài hoa này, cây hình như họ đậu nhưng thân leo, lá to! Hoa cũng mang đặc trưng của những bông hoa thuộc họ đậu, màu tím sậm ngoài cánh lợt dần vào phía trong đài hoa. Hoa to cỡ cái đít li nhỏ, mọc thành từng dây rũ từ trên dàn xuống và nở lác đác trông thiệt là đẹp. Từng dây, từng dây kết thành cái mành màu tím làm cho không gian xanh của cái cù lao trong một sáng nắng vàng có chút lãng đãng như khói mây, như nét yêu thương mơ mộng mà hồi nào tới giờ người ta hay gán cho người dân xứ Huế. He he, ai nói dân miền Nam không yêu thích màu tím!!?? Những chiếc xuồng ba lá với cô gái áo bà ba chèo mũi lượn qua những con mương mát rượi bóng lá dừa nước hai bên. Dừa nước ken với ô rô, mái dầm giam hết những ngọn gió thổi vào đây ủ lại thành một thứ mát mẻ kì lạ trong những ngày nắng kinh khủng của miền Nam mùa khô. Rồi lại hoa tím, chắc không cần phải nhắc lại tên loài hoa này. Thứ hoa trôi nổi bình bồng theo con nước, ghé vào bờ bùn chân ngọn lá trổ ra màu tím nhạt thiệt là thấy rồi làm sao quên. Mà phải, một cành xanh non, hoa nở bám quanh, núp vào trong đám lá, he hé chút màu tím thôi mà cũng làm cho thằng cha lí sự nhứt thiên hạ thoáng thấy lật đật dừng xe nhảy xuống bùn mà ngắm... Bùn dính bết vào hai cái ống quần, về nhà gột rửa lâu lắc cũng không sao, một thoáng màu tím này cũng đủ rồi mà, tím lục bình, tím nhớ mong và hoài vọng theo câu dạ cổ hoài lang... Rồi vài cây bằng lăng miền đông lạc xuống đất này trổ hoa tím lác đác đầu cành. Tự dưng nhớ câu chuyện "hẹn với bằng lăng" mà mình đã viết! Hoa bằng lăng cánh mỏng, gió mạnh dập vài cái là tả tơi ngay! Hẹn gì không hẹn, hẹn làm chi với bằng lăng! Hoa chẳng bao giờ kịp chờ ai. Hoa bìm bìm tím ngoài hàng rào những căn nhà ngói vách ván chạm trỗ công phu! Lâu lắm mới thấy lại hàng rào bìm bìm. Hoa màu tím than, lá màu xanh đậm, trong lá có hoa không tìm khó thấy. Rài rạc phận hoa dại tím hồng bên lối đi. Không gian toàn màu xanh của cây lá xum xuê miền sông ngọt, nhưng màu tím tình tang lẫn khuất đâu đây như tiếng đàn bầu rớt xuống mặt nước lao xao, lao xao...

Những con mương dầy lá dừa nước nhưng cũng có chỗ cho một loại cây thỉnh thoảng chen vào. Thứ cây gần gũi với tui đến kì lạ, gần tới nổi cùng cái nick của tui chui luôn vào bài hát lí chiều chiều tối tối mà ngủ hoài trong đó. He he, cây bần, con khỉ ăn bần, không phải ăn chanh như anh Tân nói nghe. Thấy cây bần, chỉ cho hai đứa con Nguyễn Công Trình biết tên mà tự nhiên nước miếng tứa ra đầy miệng. Nghe nhớ cái lát bần xắt trộn trong dĩa rau ghém. Có chuối chát, bắp chuối, rau cỏ lung tung ngoài vườn, vài lá thơm thơm, đọt xoài chát xịt, lát bần chua chua. Gom hết một đám cuốn vô trong cái bánh tráng chấm nước mắm cay mà ngậm, úi trời là ngon. Rồi bần nấu canh chua với cá, cá gì cũng ngon, he he, cô gái chèo xuống khúc khích cười, cá chốt ăn cũng quên đường về luôn hé. Hì hì, tự dưng nhớ hồi nhỏ cùng mười mấy thằng bạn, 12 thằng luôn tui theo trí nhớ kinh khủng của Hiến, đi Thanh Đa câu cá tắm sông. Câu cả buổi có một con cá chốt. Bọc lá chuối bên trong, ngoài bọc bùn, nướng cháy đen, ăn xì xụp mà khoái. Chia nhau mỗi thằng có một mẩu nhỏ chút chun, ăn xong miệng tèm lem lọ hì hì, ôi những năm tháng cũ mèm! Vị chua trái bần cũ mèm trong kí ức của tui...

Nhưng cái lạo xạo của những cọng giá sống thì còn nguyên trong miệng nè. Ăn Hủ Tíu Mĩ Tho thì phải ăn với giá sống. Giá cọng dài dài, giòn giòn nhai láu ráu với cọng hủ tíu dai dai, miếng gan bùi bùi, úi trời ơi là hủ tíu Mĩ Tho. Nói thiệt tình tới giờ tui cũng chưa thể phân biệt rạch ròi giữa hủ tíu Nam Vang và hủ tíu Mĩ Tho trừ cái chuyện có thể yêu cầu giá trụng trong tiệm hủ tíu Nam Vang và phải ăn giá sống với hủ tíu Mĩ Tho mà thôi. Anh Nguyên, đệ nhứt lí sự nhưng cũng đệ nhứt tình tang nói trên từng đề cập tới một cụm từ "dân giá sống" để chỉ riêng dân miền Nam. Hì hì, chưa chắc vì dân miền Nam có gốc ruộng thì mới hảo giá sống chứ còn dân miền Nam lên Sè Goòng ở hai ba đời bị tạp nham toàn xài giá trụng anh ơi. Hủ tíu Mĩ Tho là món ăn sáng chính cho tụi này trong buổi hành trình sông nước ngày chủ nhật vừa rồi! Để coi, viết hai đoạn rồi mới chịu vô đề giới thiệu, thiệt là lôi thôi cái tay Khỉ già này! He he, thông cảm, đụng đâu viết đó thành thử như vậy chứ không phải cố tình chơi chữ, chơi bố cục gì đâu! :-). Tụi này khởi hành lúc 5 giờ rưỡi sáng tại Sài Gòn. Kì đi chơi này có hai cha con Phúc, Nhựt. Rồi gia đình Phú Thuý, gia đình Hà Thuỷ mà thiếu mất Hà tay tự điển bách khoa. Gia đình Cẩm Lai, gia đình Nguyễn Công Trình, Chị Loan chị của Thuý, Minh Phúc, Anh Năm Võ Phước Vinh, hai bố con Hiến và Thiên Hương, và cuối cùng là toàn bộ gia đình khỉ gồm 1 nàng tiên trong hầm và 3 con khỉ 1 già hai trẻ :-). Thanh Hương và Đức lu bu công chuyện không đi được, Tịnh Tâm cũng không đi vì đang đau khớp. Bởi vậy chức trưởng đoàn lần này do anh Phúc đảm nhiệm. Lần này có thêm một người mới là Minh Phúc, công rủ thêm M.Phúc ghi cho Phú. Phúc thật sự là rất bận rộn công việc trong trường Y cũng như trong bịnh viện nhi đồng, nhưng cũng ráng hết sức thu xếp để tham gia với mọi người. Mà may là có M Phúc chứ không thì chàng Sóc con Hà Thuỷ bị khỉ cắn sưng ngón tay thiệt không biết làm sao. Trong cái balo dã ngoại của M Phúc có một túi bát bảo, mở ra là đủ hết các thứ cần thiết để sơ cấp cứu, hì hì, bác sĩ có khác chớ! Tui thì bị trừ điểm thậm tệ trong chuyến đi này vì khộng biết dặn dò đệ tử, để chúng chụp cắn người lung tung.

Tụi này lên xe đi tới Mĩ Tho rồi xuống bến đò tại Vườn Hoa Lạc Hồng để lên đò qua cù lao. Đứng bờ bên này sông Tiền dòm qua bên kia thấy cù lao Long và cù lao Thới Sơn tức cù lao Lân. Cù lao Lân là cù lao lớn nhất trong bốn cái Long Lân Quy Phụng nằm trên sông Tiền! Hì hì, dĩ nhiên phải bỏ không tính những cù lao bự sư tạo thành tỉnh Bến Tre chớ. Cù lao Phụng là chỗ ông đạo dừa thuộc tỉnh Bến Tre. Cù Lao Lân thuộc Mĩ Tho, rộng 11 km ngang 1 km tính ra diện tích sơ sơ là 11.000 mẫu, trồng toàn là nhãn, sapochê. Hai thứ trái này bây giờ là thế mạnh của Mĩ Tho, ngay ở Cầu đỏ, Bình Đức, Trung Lương bên Mĩ Tho cũng trồng toàn hai thứ này. Những cây quýt cầu đỏ, Mận Trung Lương, cam đường Bình Đức ngày xưa bi giờ chỉ còn trong quá khứ và lác đác trong vườn như một thứ cây ăn chơi cho vui miệng thôi. Cù Lao Lân ngày xưa trồng cái thứ gì? Không biết, nghe nói hình như toàn vườn tạp, miết tới sau này có dạo chuyển sang trồng sầu riêng, măng cụt nhưng không thành công cho lắm. Tới khi trồng nhãn và sapochê thì trúng lớn! Bởi vậy bây giờ mấy cây mít, vú sữa, măng cụt, sầu riêng thành hàng hiếm trên cù lao này. Chương trình của bọn này là đi ăn trái cây, xem sinh hoạt thường nhật trong các lò bánh kẹo, xem người ta tráng bánh tráng sữa, làm kẹo dừa, uống thử mật ong trong vườn nhãn, tham quan các nông cụ xưa, coi khỉ vượn trong chuồng. Rồi đi tát mương bằng gàu dai. Tát cạn mương rồi nhào xuống bùn bắt cá nướng trui nhậu chơi, hì hì... Ăn nhậu đã thì nằm võng đu đưa ngủ trưa, ngủ dậy đi tham quan di tích Rạch Gầm Xoài Mút. Chương trình xem chừng đầy kín cho một ngày đi chơi. Chiếc đò không lớn, hai mươi ba người bọn này ngồi kín hết các băng ghế. Đò nổ máy băng qua sông, nước sông Tiền cuồn cuộn chảy đục ngầu. Màu nước vàng vàng hơi giống màu mỡ gà, nước đẫm phù sa theo nhau tuôn ra biển rộng. Sóng buổi sáng trên sông không lớn, bơi được. Tự dưng nhớ có lần đi Mĩ Tho nổi hứng tính bơi qua bên cù lao Long, nửa chừng hụt hơi, phải leo lên đò mà quá giang, có cô nhỏ chèo đò nhìn mấy thằng con trai ướt nguyên áo quần khùng khùng tửng tửng mà cười khúc khích, thiệt là.

Trên cù lao Lân nhà cửa đa phần là nhà ngói, vách ván. Một trong những cái ngộ của miệt này là vách ván của nhà. Vách nhà nào cũng là những tấm ván tháo gỡ được. Ban ngày, thức dậy tháo hết vách ra, cái nhà chỉ còn cái mái ngói nặng nề tựa trên những cây cột, kèo, rui, mè chạm trỗ công phu. Từ trước ra sau trống trơn trống hoác, he he, trừ chỗ buồng kín của các vị phụ nữ thôi. Bởi vậy đừng có nói dân ta khi dễ phụ nữ, từ ngàn xưa cho đến ngàn sau phụ nữ trong nhà luôn là số một, chỉ có mấy thằng đui mới chính thị là mấy thằng mù dám lớn giọng hét hò coi thường phụ nữ thôi. Quanh nhà bông trồng lủ khủ, cây trái ngoài vườn thì thuộc loại chuyên canh, còn cạnh nhà thì để chuyên xơi. Các bà các cô trong nhà thích cây gì thì mấy bác nông dân trồng ngay cây ấy cho có mà ăn khỏi thèm. Mấy cái vách ván có loại dầy, loại mỏng. Nhà giàu thì vách dầy cui, nặng lè lưỡi. Nhà nghèo khoẻ hơn, vách mỏng mà thiếu trước hụt sau. Sáng dậy tháo cái rẹt, tối cài vô như chớp mà làm biếng thì khỏi cần cài, cứ để trống trơn mà ngủ cho khoẻ. Thời thái bình cửa thường bỏ ngỏ nghe chưa sang, nhà thái bình khỏi cần lắp vách. Tha hồ mà gió lùa, mát... Chính vì nhà như vậy nên trong nhà nào cũng la liệt là võng căng tùm lum trên các cây cột. Trèo lên cái võng nằm đu đưa, nghe ngọn gió ngoài mương, lọc qua lược lá dừa bên bờ hết bụi bặm, thổi vô mát rượi như ngụm nước dừa ngọt dịu thiệt là muốn ngủ quên về... He he, ngủ cái gì, võng tòn teng chỉ dành cho những người nhẹ kí chút thôi. Bự như khỉ mới đưa ba nhát là đứt võng rớt cái bịch. Hic, nghỉ chơi, mấy nhà vườn chơi xấu quá, bể mông tui còn gì...

Cái đinh của chương trình là tát mương bắt cá. He he, hồi nhỏ có tát đìa chớ chưa tát mương bao giờ. Mà tát đìa cũng xài cái thùng, lội xuống đứng dưới đìa mà tát ra. Bi giờ văn minh hơn, xài cái gàu dai bốn sợi dây dài sọc, đứng trên bờ mương hai người hai bên hò lơ mà kéo mà giựt. Dân chuyên nghiệp tát ào ào, mỗi lần một gàu đầu nhóc chừng hai chục lít. Dân tài tử miệt thành tát kịch kịch lúc có lúc không. Khi có thì ngoài nước còn múc cả đống bùn nặng muốn sụm. Bọn con nít hò reo đòi tát. Hì hì, mỗi đứa được tát một chút, chỉ có những tay nhỏ quá thì không được, vì cái gàu nặng lắm, tát không ra nước mà bay nguyên con xuống mương là chuyện chắc có à, hì hì. Mấy bà mấy cô trong đoàn cũng hăng hái thử. Cẩm Lai, Thanh Thuý, Tâm Hiền, Minh Phúc... tất cả đều thử với cái gàu. Tội nghiệp hai cô nha sĩ và bác sĩ tay chân quen với người chớ không quen dây, tát không ngon chút nào. Hai anh chàng lớn Phúc và Phú coi bộ khoái cái trò này nhứt, dành cái gàu tát miết không chịu nhường cho ai. Hì hì, người lớn ai nói không ham chơi. Tát hoài không thấy cạn bao nhiêu, hướng dẫn viên du lịch đành phải nhờ nhà vườn giựt máy bơm, bơm nước ra cho lẹ!!?? Cái máy bơm chạy xình xịch một hồi, nước cạn nhách, hai ba nhảy xuống mà chụp nghe bà con. Võ Phước Vinh, anh Năm này vốn chính hẩu là dân sông nước nhào xuống cái ào, cùng theo Vinh dĩ nhiên là Nhựt, Tí, Trí, Phúc, Phú... Khỉ tui thiệt tình ngại nước lắm, nhưng thấy Năm Vinh nhào xuống là chụp được một con cá tai tượng to chà bá cầm quơ quơ he he quá đã, bèn nhào xuống theo. Nhựt chơi cái nơm thiệt là to, mới thấy con cá tai tượng thứ hai lách qua chân là chụp cái nơm liền, ngay chóc, nhưng có điều anh chàng hơi ngắn đòn thò tay vô không thấu đáy nơm làm sao mà bắt cá, hic. Chú Vinh bèn ra tay giúp đỡ, moi dưới bùn vác lên con cá bự, mà cá bự quá thành thử tay chú Vinh kẹt luôn trong nơm y như con khỉ thò tay bóc kẹo trong hủ. He he, bỏ thì xảy cá, cầm thì lôi thôi lòng thòng vừa cá vừa nơm, ôi cha ông nhạc sĩ TCS có bài hát Tiến thoái lưỡng nan thiệt là hợp với tình cảnh này quá!!!

Đám con gái nhỏ tính nhảy xuống theo nhưng cô M Phúc không cho. Con gái đừng xuống mương, coi chừng bùn nó dính tùm lum, mà ngày hôm nay cúp điện người ta không bơm nước lên lấy cái gì mà tắm. Phúc nói chính xác quá, thôi thì nghe lời bác sĩ vậy, đứng trên bờ hò reo coi tụi con trai bì bỏm bắt cá dưới bùn còn vui hơn. Bà con la quá mạng, mấy anh chàng dưới mương hồn vía bay linh tinh lang tang chụp hốt tứ bề. Trời ơi cá tai tượng không quen bị bùn quến nên nổi lên liền dễ bắt chớ còn cá trê với cá lóc thì nó chúi xuống tuốt cái đám u minh đâu phải dễ, đâu phải dễ, hì hì. Nói vậy chớ nhà vườn không có thả cá trê, sợ ngạnh trê chém chảy máu tay dân thành phố, chỉ thả cá lóc cho mình bắt thôi. Anh Năm lại hăng hái xung phong, hai tay cùng hai chân quơ tứ phía. Ô là la, một chú cá lóc bự bị túm nữa rồi. Bà con trên bờ la hét ỏm tỏi, tay chỉ túa xua, kìa, trời ơi ngay chân ông Vũ kìa, ôi nó lặn xuống rồi, Tí, Tí nó ngay chỗ Tí á. Anh Tí thấy cái đuôi cá quẩy quẩy bèn chụp một cái, con cá mạnh quá, quẩy mạnh vuột mất rồi. Tí tiếc của nhà xuống theo, he he, bùn bết hết cả tóc rồi anh chàng ơi. Trí áp dụng chiến thuất lấy tĩnh chế động, anh chàng đứng yên rình như con chim bói cá vậy. Rồi ào, ào ha ha, được rồi, tay Trí giơ lên, chú cá lóc thứ hai tuyệt vọng quẩy như cuồng trong bàn tay của Trí. Phú và Phúc nỗ lực hết mình, hai chàng thọc luôn hai tay xuống bùn mà mò. Kìa, kìa a nó trồi qua chỗ chú Phú kìa, hụt rồi, ái chà, con cá này nhanh quá ta ơi. He he, khỉ gặp may, con cá chạy đâu không chạy ngóc đầu lấy hơi ngay chân khỉ già. Ngay chóc, khỉ mà bắt cá thì khỏi chạy, he he. Phú hỗn hển la, trời ơi, tui mới túm hụt một con nhỏ, bà con coi chừng nó xảy ra ngoài kia nghe. A! nó kìa, nó kìa, dưới chân kìa. Thiệt là, bà con trên bờ tay chỉ loạn xạ cào cào, miệng la om xòm, dưới bùn đám tụi này bối rối dòm loanh quanh, con cá chuồn qua sát chân hết hồn không kịp chụp. Trí lại ra tay, anh chàng này không bị nhiểu bởi những tiếng hò reo nên ra tay là ngay chóc. He he, như vậy là bắt được hai con cá tai tượng khổng lồ cùng bốn chú lóc cỡ cườm tay. Ngon ăn thiệt!!! Nhựt và Tí nhắm sức mình nên bắt thêm một mớ cá lìm kìm nhỏ chút chun, hổng biết làm gì, chắc là để nấu canh bí đao...

Trong chuyến đi chơi này bọn con nít của tụi tui lần đầu nhìn thấy những thứ nông cụ xưa lắc xưa lơ. He he, cái cối xay lúa đẩy tay, đứng chân chèo chân chống đẩy tới kéo lui uyển chuyển thiệt là một thứ dụng cụ tập thể dục cho vòng hai bá cháy. Phải chi nhà nào cũng xay lúa lấy gạo thì phụ nữ Việt Nam ta bảo đảm vòng hai nhỏ chút híu á. Rồi cái cày thổ bự sư để lật đất phơi trong mùa nắng. Rồi cày nhỏ, bừa răng thưa, bừa răng khít, trục san đất, cái ách đóng hai con trâu... Những thứ dụng cụ này bọn nhỏ chỉ nhìn qua hình chưa bao giờ tận tay rờ thử. Rồi cối giã gạo với hai cái chày vồ như hai cây búa cối. Hai đứa nhỏ khiêng một cái lặc lè, bốn đứa thử giã gạo mà cha mẹ chỉ sợ búa nện vào đầu nhau!!?? Cối xay bột bằng đá, cái cối đá rề rà xay ra thứ bột đổ bánh xèo hồi tui còn nhỏ, hic, nhớ má quá... Tụi con nít thử vận hành cái quạt thùng gie lúa! Tui nói là "gie" nghe! Múc lúa vừa phơi xong cho vô cái máng hộp, dưới này có một người ngồi quay cái quạt, gió thổi lúa lép, trấu bay ra ngoài trước, lúa chắc rớt xuống, theo cái máng chảy vô thúng. Chữ gie này làm tui nhớ ông đạo kì nhơn xóm tui, gie lúa, bây giờ có ai còn gie lúa không ta...

Buổi trưa có bánh tráng cuốn cá tai tượng chiên xù, cá lóc nướng trui, lẩu cá điêu hồng với rau nhút, bông so đủa màu đỏ, gà kho sả, đậu đủa và khóm xào thịt heo, cơm, rau... Tát cá xong mấy anh con trai và ông già ra mương tắm. Cái mương rộng chừng sáu bảy thước, sâu hai thước hơn, có cái cầu thang (không có chữ thang này nguy hiểm lắm!!??) bắc ra để rửa chân. Hai bên mương cũng vẫn là dừa nước. Bơi lội cho sạch bùn, thay đồ sạch sẽ tụi này chiến đấu cùng mâm cơm thiệt là khí thế hừng hực... Rượu nếp cất trong lò ngay trước mặt chiết ra, nóng hổi, cuốn bánh tráng với miếng cá chiên dòn đẫm dầu, rau xanh các loại và bún, hic, thiệt là quên hết trời đất. Cá lóc nướng trui chấm muối ớt, cắn thêm trái ớt hiểm xanh giòn, bụp... thôi không kể nữa, không kể nữa, lại tứa nước miếng ra nhểu xuống keyboard nè!

Gió không biết chốn nào cứ phe phẩy, vườn trưa xanh ngắt màu lá. Có tiếng hát của ban đờn ca tài tử vẳng phía xa. Tiếng Nhựt, Nam Chi, Tí, Mây, Thiên Hương, Nhím, Sóc và mấy đứa nhỏ khác gọi nhau í ới phía vườn nhãn. Con gà quạ đen xanh tục tục gọi đàn con! Cái võng đong đưa, ai buồn thì ngủ! Nghe câu hát ru, chợt nghĩ, cần gì đợi gió mùa thu, à ơi kìa tiếng à ơi... Con nước ròng rút chảy về biển rộng, gió quê mình thổi lộng lá dừa xao, hỏi ai kia lưu lạc phương nào... Má ngồi bậu cửa à ơi...

Nắng chiều trên sông nhoang nhoáng ánh vàng!

cò vũ
Cò Khổng Lồ
Cò Khổng Lồ

Tổng số bài gửi : 13
Join date : 10/02/2011

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang


 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết