Con Cò
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Lần đi chơi đầu tiên 2

Go down

Lần đi chơi đầu tiên 2 Empty Lần đi chơi đầu tiên 2

Bài gửi  cò vũ Sat Feb 12, 2011 6:14 pm

Đùng, đùng, đùng!!! Tiếng cửa phòng bị đá lôi tui choàng dậy khỏi giường! Trời ơi! Ai vậy nè? Mở cửa phòng chỉ thấy bóng K Hoa và Chuột chạy ngoài xa... Thì ra mẹ Hương dậy sớm nhờ hai anh em chạy đi gõ cửa từng nhà gọi mọi người dậy. Năm giờ sáng! Đúng giờ, mọi người đều thức dậy. Có người còn dậy sớm hơn đi dạo biển vừa về. Hình như là Phúc Lộc và Phú Thuý. Tay trong tay, người trong gió, tui thấy Thuý đang cười thiệt tươi bên cái mặt ngái ngủ của Phú, hi hi (xạo nữa rồi khỉ ơi!). Mọi người làm vệ sinh, thay đồ và thu dọn đồ đạc. Sáng nay trả phòng, sau khi ăn sáng xong sẽ trực chỉ Ba Hồ, rồi quay về Nha Trang. Cái đống hành lí kềnh càng lại được vác, cõng, khiêng lên. Ra nhà hàng ăn sáng, vác đồ ra luôn sao... Trời ơi chết mất! Kiếm ông tài xế, bỏ đồ lên xe trước đi! Không biết đây là sáng kiến của vị nào, nhưng sáng kiến này đáng được huy chương vàng về phát minh... He he, sao tui nghi nghi đây là sáng kiến của nhà phát minh Nguyễn Văn Hiến quá!!! Bao nhiêu thứ nặng nhọc được quăng lên xe. Cả nhóm rồng rắn xuống nhà hàng ăn sáng. Y như thường lệ, nhóm con nít và phụ nữ làm cái ào là xong. Nhóm các ông chờ cafe, thiệt tình cafe pha gì mà lâu quá mạng, thành ra nhâm nhi hơi lâu một chút. (Cafe thì phải khề khà bên tờ báo, ngồi cho lâu mới khoái, cafe mà uống cái ọt, dzọt liền thì chán chết!!!)

Trưởng đoàn Thanh Hương dù thức khuya dậy sớm vẫn tươi tỉnh hối bà con ra chụp hình khu vực nhà hàng. Khu vực nhà hàng chính là khu biển Dốc Lết cũ. Những cây dừa được trồng thay bớt cho đám dương. Sự thay đổi giúp cho không gian thoáng hơn. Khoảng trống nhỏ, lá dừa rũ bóng cho cái nhìn ra biển buổi sáng đẹp mê hồn. Chúng tôi lưu luyến chia tay Dốc Lết! Thiệt tình đi chơi không muốn về, nơi này sẽ còn lưu giữ hình ảnh của 22 con người tụi tui lâu! Còn trong mỗi người hình ảnh này cũng đọng lại lâu, rất lâu, tui tin như vậy, và chắc là như vậy!!!

Ba Hồ, một trong những địa danh có tiếng của Khánh Hoà mấy chục năm nay. Cùng với Suối Tiên, Suối nước nóng, Dốc Lết, Đại Lãnh, Xuân Đừng, Văn Phong... hợp thành những khu vực cắm trại cho dân Nha Trang. Mười chín năm trước, tui đã xách nồi, chảo, gạo, muối lưu lạc những khu vực này. Kể ra thì bây giờ đi chơi sướng hơn hồi đó. Xe chở tới sát nơi, chỉ lội bộ thêm chút xíu là tới... Đồ ăn thì có sẳn trong cái giỏ thần của Lộc và Thuý. Nước thì có chai, khui ra uống liền, hì hì... Xe từ Dốc Lết chạy ra quốc lộ rồi ngoặc vào đường lên Đắc Lắc, con đường này thuộc huyện Ninh Hoà, huyện nổi tiếng về nem và đường mía. Rồi xe lại ngoặc vào đường dẫn lên Ba Hồ. Hai bên con đường đất nhỏ dẫn vào Ba Hồ trồng toàn là mía và Thanh Long. Đường nhỏ, gập ghềnh, xe chạy như xe bò, lắc lư, lắc lư. Bé Thiên Hương khoe chuyến về quê có đi xe bò. Cũng giống y như bây giờ!!! Nhóm nhỏ nhìn thấy một ao sen nhỏ, sen nở hồng cả sớm mai. Những chiếc gương sen xanh lá khoe vài giọt sương trông thật thích mắt. À, quên nữa, Ninh Hoà cũng có một đặc sản là hạt sen. Hạt sen Ninh Hoà nấu chè dẻo và bùi y như sen Huế. Nếu lấy hạt tươi nấu chè hay đồ ăn thì bảo đảm bà con khó mà quên được mùi, vị của nó, hì hì... Thầy Hà, thầy Hiến và thầy Phúc thay nhau giảng cho nhóm trẻ bài học về trái thanh long, cành xanh, hoa trắng, trái đỏ, để chín ba lần, thì trái mới luyện đường ngọt thanh... Úi trời đất, cô Thuý thú nhận ăn thanh long hoài mà tới giờ mới biết cái vụ này... Bà con cười rần rần trên xe...

Ba Hồ chỉ là một con suối chảy men giữa hai cái núi ngất ngưỡng của huyện Ninh Hoà. Cái lạ trong khu vực này là suối gặp chớn núi đứt ngang thành thác chảy xuống, bào bằng đá núi thành hồ. Con suối có ba cái thác, hình thành ba cái hồ. Hồ không lớn lắm, mỗi bề chỉ khoảng 15, 20 m. Sâu chừng 5, 7 m. Xe của tụi tui ghé vào chân núi. Mọi người xuống xe, mang theo chỉ có giỏ đồ ăn và nước uống mà thôi. Nhóm nhỏ kiểm tra giày leo núi, đề nghị cột chặt dây giày! Khởi hành! K Hoa, Nhựt, T Rí, Như, Nhím, Chuột xung phong chạy trước. Nhóm các cô áp tải bọn nhỏ hơn theo sau. Bố Hiến, mẹ Thuỷ ưu tiên không xách đồ, chỉ lo cho Thiên Hương và Sóc thôi. Khỉ, Hà, Phú, Phúc, Đức lo mang đồ. Mọi người theo con đường mòn nhỏ chút đi dần lên núi.

Con đường nhỏ, đi được hai người mập ú, hai bên dây leo, cây rừng chằng chịt. Bọn trẻ hú lên, a ha tụi mình được vô rừng!!! Đường cứ dốc lên, bước chân tới cứ thấy trước mặt con đường vẫn còn bò lên. Nền đường có nhiều đá cục thiệt to. Ngày xưa tui từng phát hiện một cục đá có cạnh rất lạ nằm trên đường. Hồi đó tui nghi là hoá thạch xương sống của một con vật nào đó khá to. A! vẫn còn đây, nè, mấy đứa nhỏ, lại coi hoá thạch xương khủng long nè. Đâu, đâu? Cục đá to, thiệt là to, phần bày ra chính là chỗ tụi tui đặt chân trên đường. Một vệt những khía lỏm rất đều, dài chừng thước rưỡi lộ hẳn ra. Y như hình một xương sống có những rẽ xương sườn. Bọn nhỏ lại bàn nhau về hoá thạch. Hình như đứa nào cũng biết rành về cái khái niệm này (siêu thiệt, con nít bi giờ, hì hì). Trên những vách đá chông chênh của con đường mòn này ngày xưa tui cũng phát hiện ra nhiều vết cúc đá. Là hoá thạch của một loại ốc xoắn. Hoá thạch này ịn lại trên đá một vòng tròn nhiều cánh xoè ra như hoa cúc. Dân địa chất gọi đây là cúc đá. Sự xuất hiện của cúc đá là bằng chứng cho thấy đá núi thuộc họ đá trầm tích. Khai thiên lập địa, những di chuyển của các thềm lục địa xô vào nhau đã làm cho đáy biển trồi lên thành núi. Những khối đá là hoá thạch nhiều triệu năm của san hô, sinh vật biển bị lòi ra, phơi mình trong nắng, gió, mưa nhiệt đới. Rồi chúng sẽ bị nước bào mòn, sẽ lăn xuống, chồng chất vào nhau, tạo thành những hình dạng hấp dẫn nhất mà trí tưởng tượng của chúng ta không thể nghĩ ra.

Con đường nhỏ dẫn tụi tui lên cao, lên nữa, cao nữa. Đá ngày càng nhiều. Cuối cùng cổng vào thiên nhiên của Ba Hồ xuất hiện trước mắt. Là hai cục đá bự chà bá dựng đứng. Mỗi cục cao chừng ba thước, cõng trên đầu một phiến đá to. Cái khe cửa trông hùng vĩ và ghê gớm như cổng vào một thế giới hoang đường nào khác. Khe cửa không rộng lắm, người lớn xác như T Rí phải lách mình mới qua được. Bà con lần lượt chui qua cửa. A! Trời ơi đá nhiều quá, toàn là đá không à, cục nào cục nấy đều bự quá vậy nè! Trước mắt tụi tui là một dòng suối rộng mười thước toàn là đá. He he, suối đá chứ không phải là suối nước. Cái này tiếng Hán kêu là thạch tuyền!!! Đá lủ khủ, chồng chất lên nhau trong những tư thế hết sức bấp bênh. Dưới chân đá, dòng nước chảy róc rách, luồn lách qua các khe hẹp để thi nhau tuôn xuống. Nhóm trẻ nhận được hiệu lệnh dừng lại. Hà được Hương trao chức tiên phong vì chân dài nhảy qua đá dễ dàng. Tụi nhỏ đứng chờ, chú Hà đi trước. Khi nào có đường thì tụi con theo sau nghe chưa. Cẩn thận nghe bà con, té cái là tiêu mạng à...

Hà và bọn trẻ nhảy trên đầu những cục đá để lên tiếp. Nhóm các cô vừa đi vừa dắt mấy em nhỏ chút. Còn đồ đạc thì các ông vác. Khỉ già, Phú, Đức phải theo sát Hà vừa vác đồ vừa bợ đít cho bà con leo qua những khối đá to. Leo, nhảy, trèo lên, a, đặt chân vào khe đá này nè. Đừng ham vịn vô sợi dây leo bự đó nghe, nó nhùng nhằng và tuột dài ra là té đó. Ba ơi, đẩy giùm con một cái. Kéo giùm ông bụng bự này lên cái coi... Hàng loạt, hàng loạt những câu nói vang lên. Trong lòng suối đá nắng đã bắt đầu rọi xuống. Những giọt mồ hôi xuất hiện trên trán, trên mặt rồi thi nhau lăn xuống. Đá mênh mông là đá, leo lên, len lỏi vào, nhảy xuống, trèo lên lại, bước dài, bước ngắn. Những khuôn mặt đỏ bừng vì nắng và mệt, mồ hôi tuôn ướt hết lưng áo. A, có một phiến đá to và rất bằng nè! Dừng lại cắm trại ở đây được chưa? Chưa đâu, còn phải lên nữa, tụi mình sẽ dừng lại tại hồ 1, tiếp tục đi bà con, còn chừng hai, ba trăm thước nữa là tới rồi. Hà dừng lại trên phiến đá để thở lấy hơi. T Rí, Nhựt, Nhím và Như vẫn tiếp tục đi trước. Ê, mấy đứa sao không chịu ngừng lại nghỉ hả? Tụi con còn mạnh lắm, bây giờ tụi con đi trước đây. T Rí đi đầu, anh cả tới bữa nay mới chịu chứng tỏ khả năng. Coi tướng mập mạp vậy nhưng T Rí leo bon bon. Nhím, Như, Nhựt là những siêu người mẫu ốm nhom leo theo ào ào. Hà và Khỉ lập tức vọt theo. Trời ơi mấy anh chị này leo lẹ quá. Bà con phía dưới tiếp tục leo theo. Con đường gian khổ còn xa, ráng thêm chút nữa đi bà con ơi... He he, nghe giống thơ lục bát lục nồi của khỉ quá ta... Rồi, một khối đá, hai khối đá, nhiều đá nữa. Những câu nói cũng ít dần, chỉ còn các chỉ thị ngắn của các ông. Đặt chân thuận lên chỗ này trước, rồi, đưa tay đây, ở dưới đẩy lên giùm thêm đi, nặng quá, không kéo nổi... Hai ba nè, ừ, lên rồi, Hương, Chi, Mây, Sóc nào qua đây để ba ẳm lên... thả chân xuống, vịn vô cục đá đó, ừ rồi đứng xuống đi. Đừng sợ, cái quan trọng là đừng có sợ gì hết...

Đừng có sợ gì hết, chỉ có mệt muốn chết! Lên nữa, lên nữa, có tiếng hò reo của T Rí, Nhím, Như, Nhựt phía trước! A! tới rồi, coi nè, đẹp chưa! Một khoảng rộng, hụp xuống khá sâu so với những vách đá dựng đứng hai bên. Nước, thứ nước trong vắt và mát lạnh chảy róc rách bên dưới. Đôi chỗ, nước vọt lên trên đá, tuôn vào những vũng rộng. Hai tảng đá thiệt to, tương đối bằng phẳng nằm trong bóng mát của những tán cây rừng không tên hai bên vách đá. Tụi tui tới hồ 1 của Ba Hồ rồi. Hoan hô! Chúng ta đã chiến thắng, cuộc chinh phục đỉnh cao thiên nhiên hoàn tất... Men xuống, từ từ, coi chừng đá trơn trợt nghe! Tiếng Hà vang lên trong chút nắng hắt từ những khối đá trên cao. Nhóm tiên phong đã xuống trước. Nước, những vốc nước mát lạnh được khoát vào mặt, aaaaa! Sảng khoái, nước lạnh ngắt luôn bà con ơi! Cá, quá trời là cá nè... Nhóm đi trước cũng là nhóm đầu tiên phát hiện ra những chú cá bơi thành đàn dưới nước. Nhựt lập tức lo bắt cá, hì hì, cá khác còng, cua và sao biển bạn ơi. Những con cá nhỏ như đầu đủa dạn thiệt dạn nhưng cũng nhanh thiệt nhanh. Chàng Nhựt chụp hụt không biết bao nhiêu lần!!! Anh T Rí không quan tâm tới cá, anh cởi giày và ngâm hai bàn chân xuống nước. Phê thiệt! Mọi người bỏ đồ xuống hai tảng đá rộng và ngồi nghỉ. Ai cũng vốc nước rửa mặt và buông lời khen, mát thiệt! Sao không mát! Nước thoát ra từ lòng đất sâu, theo những mạch đá chảy suốt ngày đêm, luôn là dòng nước mới, lạnh ngắt mà.

Nhóm tiên phong lại leo trở lên bờ đá cheo leo, lần này góp mặt thêm K Hoa. Có tiếng hét thích thú! A! Khám phá ra một cái hồ to nữa nè! Đó mới chính là hồ một của Ba Hồ. Mùa khô, thác nước chảy thành dòng nhỏ như cây cột nhà tranh thôi. Nhưng nhỏ như vậy mà sức nước cũng rất mạnh. Tiếng nước từ trên cao đổ ì ì xuống hồ nghe như tiếng trống. Bọt trào lên xối xả. Trưởng đoàn cùng bé Chuột (Bội Trâm) men theo bọn nhỏ. Cả đám đứng trên một gộp đá cao chừng ba thước nhìn xuống hồ. Làm sao xuống được đây? Theo con đường này nè, người ta đã đem ximăng làm thành những bậc thang trên một hòn đá to, theo những bậc thang này leo xuống. Cẩn thận nghe! Vì thang rất dốc, dựng đứng như thang tre vậy đó... Hương dắt bọn trẻ xuống hồ 1. Hồ 1 cách khu vực cắm trại của đoàn hai ba phiến đá to. Nè, nhảy qua cục đá hình cái chày khổng lồ này, rồi men theo cục đá dựng này, đó, thấy chưa, hồ 1 nè. Bọn trẻ nhào xuống hồ. tụi nó tắm phía bên ngoài, cách dòng thác chừng 10m, nơi có một đoạn cạn, đá vỡ vụn chất đầy, rồi thêm một cục đá thiệt to chắn ngang. Nước trong hồ chảy tràn qua cục đá thoát ra ngoài. Phía sau cục đá là một khoảng trống tròn trịa, đường kính chừng 10m. Nước trong nhưng tối đen vì vách đá dựng đứng trên đầu, không có chút nắng nào lọt vào. Các ông sau khi bỏ đồ xuống bắt đầu thay đồ đi tắm suối. Khỉ già nhanh chóng có đồ tắm, hì hì, lại mặc trước trong người nữa chứ gì!!! Phú, Hiến, Phúc băn khoăn, chỗ nào mà thay đồ đây trời! Kìa, mấy cô chỉ cho các ông một tảng đá to, dựng đứng như cái vách tường thiên nhiên. Chui qua bên đó, lách ra sau tảng đá mà thay đồ, có gì mà thắc mắc... Ai thèm dòm mấy cái bụng phệ của mấy người đâu!!! He he, công nhận là chàng nào bụng cũng hơi bị to... Nhóm con nít siêu nhỏ gồm Mây, Chuột, Chi, Thiên Hương lập tức thay đồ tắm suối. Bên cạnh tảng đá bằng bỏ đồ có một vũng nước rộng, cạn nhách. Được, tụi nhỏ tắm ở đây là ngon rồi. Thuý, Thuỷ loay hoay dụ anh chàng Sóc tắm suối. Không có quần, con không có quần, không chịu đâu... Thì không cần quần, con nít mà lo gì. Cuối cùng, giải người đàn ông dũng cảm nhất, giải Chữ Đồng Tử, được trao cho bạn Sóc. Chàng tắm không có miếng vải nào hết giữa một bầy con gái!!! Hi hi, chỉ có một cành cây nhỏ, không dùng che bớt chỗ cần che mà dùng đập mấy con cá lì lợm, bu nhau rỉa... cái ấy... của chàng!!!

Phú thay đồ xong tới Phúc, Hiến. Hiến tắm chung với tiểu thư của mình. Phúc thì thay đồ làm kiểng, vác máy chụp hình đi làm nhiệm vụ. Phú nhảy choi choi qua những cục đá để vô trong hồ rộng mà bơi. Vũ khỉ lò dò theo phía trên. Hà nhanh chóng chạy theo. Ba thằng xuống hồ. Nước lạnh ngắt và đen thui. Lặn xuống thử cái coi! Ui trời, sâu quá xá là sâu, hết hơi mà chỉ thấy ánh vàng vàng của cục đá đáy hồ thôi. Ngoi lên, thở phì phì! Hừm! già rồi, không thể lặn xuống nổi, nhớ hồi xưa... Hồi xưa cũng lặn không xuống, hi hi... Bơi ra phía dòng thác, thò cái đầu và lưng vô cho dòng nước nện. Đã, quá đã, y như massage. Nước dộng đùng đùng trên đầu và lưng, nước nhấn người chìm xuống. Đạp, ngóc lên lấy hơi, ình, ình, chìm xuống, aaaa!!! Phê quá, phê quá bà con ơi!!! Khỉ già thả mấy sải để bơi vào phía trong hồ. Trước con mắt tui một cảnh tượng hết sức kinh dị bày ra... Một khối đá to như cái nhà hình dạng y như cái sọ người, nằm gác lên hai bên vách đá. Cái tư thế của hòn đá này quá cheo leo, mỗi bên chỉ gá hờ lên vách. Khỉ rùng mình, một dòng nước mạnh, một trận bão với sức gió lớn có thể xô hòn đá khổng lồ ra khỏi cái bệ gập ghềnh kia. Và cái điều khủng khiếp gì sẽ xảy ra. Ôi đá sẽ lăn như mưa xuống phía dưới và sức mạnh của nó sẽ nghiến, nghiền nát bét mọi thứ trên đời!!! Đằng sau cục đá đó có một vách đá dựng, hòn đá, hai vách hai bên và vách đá sau tạo thành một cái hang đá thiên nhiên tối thui tối mò. Nước từ trên chảy róc rách xuống hang, chảy men theo những vách đá trơn nhớt rêu... Tui lần vào sát vách đá, a ha, có một chỗ đặt chân. Tới thêm coi, sát vách đá bên ngoài có một hòn đá to chìa ra dưới nước. Bà con có thể đặt chân để nhìn cảnh quan trước mắt. Phúc từ bên ngoài leo vào, nhảy xuống hồ nước. Ê! vô đây coi cái này nè! Mấy thằng rủ nhau bơi tới. Không thể tưởng tượng ra và trong bài viết này cũng không thể tả cho hết cái hùng vĩ và kì bí của khối đá sọ người cũng như hang động tối om om kia được. Tụi này bơi thêm mấy vòng trước khi rút quân ra. He he, bên ngoài cái giỏ thần của các cô đã hoá phép ra đủ các thứ đồ ăn. Những gói nem Ninh Hoà, mua hồi nãy mà tui quên kể, vừa chua làm cho bụng mấy ông nhậu kêu ọt ọt...

Thầy Đức khui chai rượu, a! Nhào vô thôi. Bọn nhỏ chuyển sang trò chơi nằm dài theo dòng nước chảy, bắt cá thi, tìm kiếm những dấu tích thời gian trên đá... Nhóm người lớn bắt đầu ăn uống. Chai rượu rót ra. Anh em cùng dzô một cái khí thế! Rượu chảy xuống nóng cổ, nước suối chảy lạnh dưới chân, bên mình. Khô mực, khoai tây, đậu phụng, nem... tất cả hoà quyện thành một khẩu vị tuyệt vời. Cái thùng nước đá, mấy chai nước trà, những cái li giấy để chữa lửa. Tụi này uống rượu, cả mấy cô cũng nhấm nháp... Đám con nít vẫn tắm suối và ăn uống đủ các thứ. Bất chợt, ầm!!! Hả, cái gì vậy! Thuý, Hà nhảy vọt qua. Trời ơi Thuỷ té xuống nước. Sao mà té vậy? Kông biết, tại thấy thằng Sóc vấp một cái dưới nước, giựt mình té theo. Ôi ướt đít quần rồi, làm sao đây? Giọng ai đó vang lên, leo lên chỗ cục đá kia kìa, chổng mông ra phơi một hồi, nắng là khô liền chứ gì. Nhớ cầm theo cành cây, che đầu không thôi nắng lắm... Trời ơi là cười, bà con cười lăn lóc. Tui cười tới nổi lăn luôn xuống nước, nằm dài theo con nước chảy vọt vọt qua cục đá gần bên. Bọn nhỏ ào tới, những chai nhựa uống xong được tụi nhỏ múc đầy nước suối, xối lên đầu tui... Lể rửa tội, phải rồi i như thánh lễ rửa tội, hì hì, mà vui hơn. Thuý giải quyết cái quần ướt của Thuỷ xong quay về. Ông Phúc, kéo dùm tui lên cái coi. Phúc, một tay cầm máy chụp hình một tay kéo Thuý. Hai ba, ào, phạch. Trời đất ơi, Thuý té nữa rồi! Đôi giày của Thuý không có độ bám vì toàn là gai nhỏ. Phúc lại kéo mạnh quá. Thuý cự nự, ông kéo gì mạnh quá cỡ. Tui muốn bay lên luôn thành ra mới té đó. Ai mà biết Thuý nhẹ như cục bông gòn vậy! Mới lôi cái nhẹ là bay tuốt rồi, may mà tui xài 1 tay... Cả đám lại cười um trời. Bất ngờ, oạch, Cẩm Lai đang đứng tự nhiên cũng tuột dài xuống. Chụp, chụp lại coi! Ùm! Cẩm Lai đã lăn cù xuống nước. May mà nước cạn nhách, chỉ ướt hai cái ống quần và đôi giày thôi... Sao Lai cũng té vậy, trời, trật tay hả? Lai đau quá, muốn khóc luôn rồi kìa. Khỉ già nắm tay, lắc lắc, giật một phát. Xong, nếu bị trật thì mai lành còn gãy thì Lai phải về đi chụp hình mới biết. Ai đó lôi ra một mớ cao dán giảm đau Salonpas! Lai dán hai miếng vào cổ tay! Có lẽ đau quá nên cô nàng nhăn thấy thương!!! Trong tình hình lộn xộn do những vụ trượt té, Phú đã đóng nắp chai rượu lại. Rồi Phú xách chai lên rót ra li tiếp. Kì vầy nè, sao không chảy ra giọt nào hết vậy! Phú lại giơ cái dít chai lên coi, còn mà, rót thử, ủa, sao không có giọt nào hết ta... He he, mày đóng nút lại mà rót ra rượu thì tao chịu thua mày luôn Phú ơi! Bà con cười, lần này cười quá mạng. Thuý tức cái mình, cằn nhằn, người gì có nhiêu đó cũng quên, lẩm cẩm quá mạng rồi ông ơi!!! Chai rượu này cũng vơi dần, sáu mạng uống có bi nhiêu ăn thua gì!!! Khỉ kể cho Đức và Hiến nghe về hang động kì bí! Thuý, Hương nói coi chừng trong động có bí kíp võ công gì chăng? Hừm, vậy thì trở vô coi thử! Lở có cái gì trong đó mà mình không biết thì uổng lắm...

Tụi này bơi qua hồ, men theo gờ đá đặt chân. Rồi bơi tiếp qua một khoảng ngay bên dưới cục đá hình sọ người. Tới sát cửa hang, trơn quá, không thể đặt chân đứng lên được. Hiến bèn dùng thế võ con lươn, nằm dài, trườn tới, trườn tới... A, đứng dậy được rồi đây! Cái hang cụt ngủn! vuông vức mỗi bề chừng năm thước! Bên dưới hang, những hòn đá tròn như trứng ngổng nằm đầy dẫy, đủ màu sắc, những gam màu tối, đen và nâu đỏ... Trần hang là một khối đá chắc còn to hơn cục đá sọ người bên ngoài nhiều. Phú, Hiến, Hà lui cui tìm mấy hòn đá chận giấy. Khỉ già mò mò gõ gõ vô các vách hang. He he, coi như Trương Vô Kị đi tìm cửa ra vậy mà! Cuối cùng không có gì hết. Phúc thì lầm bầm than chỗ này không vác máy chụp hình vô được! Nước từ trên cao theo vách hang chảy rỉ ra xuống. Ánh sáng từ một lỗ trống, khe đá trên trần chiếu xuống làm cho hang đỡ tối. Bọn này lại theo lối cũ trườn ra, bơi ra ngoài. Trên đầu, bên dưới khối đá sọ, những con nhện ngũ sắc giăng những sợi tơ dài, kín cả khung trời nhỏ. Ghê quá, không biết nhện này cắn trúng có thành người nhện không nữa??!! Tụi này bơi ra ngoài xong, leo lên những khối đá trở về chổ nghỉ chân thì thấy Đức đang đứng trong một cục đá lõm. He he, cục đá thiệt là ngộ, nó lõm xuống như lòng cái cối. Thầy Đức hỏi, tụi bây thấy cục đá này ngộ không? Không biết tại sao nó lõm xuống nhiều như thế này, trong khi những cục khác không lõm như vậy? He he, có thể trong thành phần của nó chỗ lõm nhiều có nhiều Carbonate Cancium, còn những chỗ khác thì có thành phần chứa silic nhiều hơn. Và cũng có thể là dòng nước mùa mưa dội ngay xuống chỗ này mạnh nhứt nên nó lõm nhiều nhứt. Đó là cắt nghĩa theo khoa học, còn nói chuyện cổ tích thì đây là hòn đá cối, phía dưới nó có hòn đá chày. Đó thấy hòn đá chày không? Ngày xưa ông Đùng, bà Đùng dùng cái chày này với cái cối này để ngoái trầu. Khi ông Đùng làm đứt gánh đá thành Trường Sơn thì cái chày và cái cối trầu của ông trong gánh lăn ra, nằm chỗ này... He he, thầy Đức cười... (Khỉ già xạo thiệt, tui phải công nhận là như vậy)

Tiếng cười nói của tụi tui vang rộn cả một góc rừng núi. Cười quá mạng làm cho mặt trời cũng tò mò. Mặt trời bèn nhảy vọt lên coi mấy cái đứa dưới này giỡn cái gì mà cười quá. He he, ông trời chơi ác, ông dòm tụi tui làm chi mà nắng nó nung mấy hòn đá nóng phỏng... Trưởng đoàn Hương sau khi leo lên leo xuống và ngồi chơi, ngắm trời ngắm đất, ăn nhậu đã đời bèn ra lệnh, rút quân. Mấy đứa thuộc nhóm tiên phong phản đối, tụi con muốn lên hồ 2! Không được, từ đây lên hồ 2 phải leo thêm một đoạn bằng y như vầy nữa, leo không nổi đâu! Chưa kể leo tới nơi là chiều mất rồi làm sao về Nha Trang cho kịp hả các con... Thôi nghe, chuẩn bị thay đồ, lộn, dọn đồ rút quân...

Trên bao nhiêu hòn đá lớn nhỏ lủ khủ nằm chuồi xuống theo con suối, có những nhánh cây khẳng khiu vươn mình. Tui khoái cái dáng vẻ của chúng quá! Cô đơn và mạnh! Chút màu xanh phơ phất trên ngọn, gió nhẹ, nắng làm cho màu xanh ấy sáng lên, mạnh mẻ hẳn lên trên cái gam màu xám của đá. Không bao giờ hết hy vọng, dòng ngắn chủn này là thông điệp tui đọc ra trong thiên nhiên hùng vĩ của khu Ba Hồ. Ừ, phải, không bao giờ hết hy vọng. Ngày mai, ngày mai chúng tôi sẽ ra khơi... Sẽ tới với khoảng trời biển một màu xanh ngắt.

Tụi tui, những người thích rong chơi chia tay Ba Hồ trong mồ hôi và nhọc mệt của con đường đi xuống. Khát nước nữa chứ. Bao nhiêu nước đem theo đều không đủ, con đường đi xuống dễ và nhanh hơn nhiều, như Khỉ con nhận xét, nhưng cũng không hết khó khăn vì thiếu nước. Trái đỏ, cái thứ dâu da mọc trong rừng chua loét, mua 6000 đồng một thùng to, không giúp cho tụi này đỡ khát chút nào. Nhóm Khỉ, Hiến, Hà, Đức, bước chân đuối dần vì khát nước. Bọn trẻ vẫn chạy băng băng. Hiến là tội nghiệp nhất vì bé Hương mệt quá, Hiến phải cõng con bé đi trở xuống!!! Cuối cùng, tới bãi đậu xe, ôi hạnh phúc quá, nước, nước, cả đống nước được chuyền tay nhau... Chiếc xe chở đoàn quay về, trên xe những bài hát được cất lên, khí thế và khí thế! Về Nha Trang, về Nha Trang thôi...

Do hao nhiều năng lượng quá trong chuyến leo núi nên trưởng đoàn Hương ra lệnh cho xe ghé vào quán bãi Tiên. Bà con được bù đắp năng lượng bằng cách ăn hải sản, nghêu, sò, ốc, tôm, cua, mực các loại phủ phê. Hì hì, bọn nhỏ ăn như rồng cuốn còn mấy ông thì y như rằng cứ ngồi khề khà. Chai rượu đóng nắp rót không ra trên Ba Hồ được chủ xị Đức khui trở lại uống kèm với bia mát lạnh. Gió thổi từ ngoài biển thốc vào trong quán. Bãi tiên là tên của khu vực bãi tắm Nha Trang kéo dài thêm qua hòn Chồng. Con đường Trần Phú B mới mở, lướt qua cây cầu mới lộng lẫy, chạy êm ru theo sát biển vào khu bãi tiên này. Con đường mới, những hàng cây vừa trồng xanh xanh, sóng lăn tăn phía bên đường. Tụi tui vừa ăn vừa thả hồn theo cái mênh mông của trời và biển chăng? Không biết, chỉ biết là phê quá nên các chàng ăn chút xíu. Hà và Khỉ trái ngược hẳn, hai thằng tiếc của thả sức mà cuốc. Ăn xong, ngồi thả chân lên ghế, dựa ngữa, uống chén trà tươi, cắn miếng mứt gừng, thiệt là... hết biết!!!

Gần ba giờ, tụi này về tới khách sạn Viễn Đông. Đây là cái khách sạn ruột của Sinh balo trong những chuyến đi ra Nha Trang. Khách sạn khá tốt, nhân viên phục vụ tận tình. Đồ đạc đem xuống xe được nhân viên mang lên tận phòng. Khoẻ quá, mỗi nhà chỉ việc vác xác và những thứ linh tinh leo vào thang máy ù lên phòng ngủ. A! cần tắm một cái và nằm lăn ra giường. Máy lạnh mát rượi, hi hi, đã quá với cái nắng nung người của Nha Trang mùa này. Bọn trẻ vẫn chưa thấy mệt, cả đám rủ nhau chạy lên chạy xuống, chơi trò rượt đuổi nhau bằng thang máy của khách sạn. Bên ngoài balcony của phòng Khỉ ở lầu bốn, tui thấy một góc xanh ngắt của biển Nha Trang... Tui nghĩ ngay tới một tối cafe bên bờ biển, ngồi trên cát nhìn sao trời lấp lánh, những đứa trẻ đùa giỡn bên bãi biển, những người lớn nói chuyện bè bạn và kĩ niệm! Phê lắm nghe!!! Hì hì!

Giấc ngủ sau một ngày lên non của tui thiệt là sâu. Tui ngủ ngon tới gần sáng và mơ. Những giấc mơ hoang tưởng chập chờn bay lãng đãng như khói như sương. Rồi sương khói đặc lại và bắt đầu đen thui, đen như mấy cục đá tui thấy trong cái hang không có gì ở Ba Hồ. Điện thoại reo, tui lăn mình qua một bên chụp lấy theo thói quen. Chết thiệt! Cái giường tui ngủ là cái giường đơn, nhỏ xíu, a ha, rớt xuống đất luôn. Bàn tay quờ chụp lấy một chỗ níu. Trời ơi! Những khối đá trong mơ thi nhau rớt xuống đầu như mưa, a, chết mất... Bịch! Một cú hạ mông không đẹp chút nào hết và bốp, bốp, ầm! Cái gì vậy nè? Thì ra tui quơ tay níu luôn nào là điện thoại, đèn ngủ, chai nước... Mọi thứ trên cái bàn ngủ rủ nhau rớt hết xuống đầu tui... Hello! Không có ai trả lời, chỉ có tiếng tít, tít của điện thoại... 5 giờ sáng, trưởng đoàn kêu dậy, hú hồn...

Thanh Hương đã liên hệ với Mama Linh, một công ty chuyên tổ chức đi du ngoạn vịnh Nha Trang bằng thuyền. Chuyến đi sẽ bắt đầu vào lúc 8 giờ 45 phút. Xe của Mama Linh sẽ tới đón tụi tui tại khách sạn lúc 8 giờ rưỡi. Chậc, 5 giờ bị kêu dậy rồi, thiệt là... mà thôi, phải chấp hành lịnh của xếp chứ. Tâm Hiền thức dậy ngay khi tui hạ mông, tỉnh như chưa ngủ chút nào hết. Lại một dây những thủ tục phải làm vào đầu ngày, không cần nói ra ai cũng biết... Lùa bọn trẻ xuống nhà hàng của khách sạn ăn sáng. Buổi sáng, thực đơn buffet của Viễn Đông rất phong phú với cả đống thức ăn và cafe, trà, sữa, nước trái cây các loại. Tụi này lấy đồ ăn, chọn cái bàn sát hồ bơi, vừa ăn vừa ngắm... ngắm cái hồ với làn nước xanh trong xanh!!! Mọi người ăn xong, vừa mới sáu giờ rưỡi mà thôi! Chờ xe, giết thời gian bằng cách nghe Hiến chơi đàn, hát. Bọn nhỏ lại bày bộ bài ra chơi tiến lên. Uống thêm cafe, trà, nói chuyện tiếp. Phúc, Lộc, Thuý, Tâm Hiền dắt nhau ra ngoài mua thêm một số đồ ăn để nhấm nháp... Mọi thứ chuẩn bị hoàn tất, xe tới, hoan hô, cuối cùng xe cũng tới...

Nắng sáng đã bắt đầu gay gắt. Cảng Cầu Đá, cái cầu cảng cho các loại thuyền cập vào Nha Trang trông xô bồ và lộn xộn như một cái chợ nhếch nhác. Xe các loại đậu đầy trong sân, những người bán hàng rong thi nhau chèo kéo chào mời khách. Thuyền các loại cũng đậu đầy dưới bến. Những con thuyền sơn màu xanh dương, viền đỏ cố hữu của Vịnh Nha trang trông y như xưa. Dưới bến tàu, những chiếc thuyền chở khách du ngoạn vịnh Nha Trang đậu chật ken. Cái nhếch nhác này của xứ mình luôn làm cho tui dễ chịu, nó y như một cái thẹo nhỏ dễ thương nằm đâu đó trên người, không cần phải cà da cho biến mất, cứ để vậy, buồn buồn cũng có cái rờ rờ cho vui, he he. Tụi tui lục tục lên thuyền sau khi Tâm Hiền mua một đống mía. Mía là một trong những thứ có ích để ngăn chận bớt những cơn say sóng, Thanh Hương nói như vậy và như vậy! Mua mía nhai nhóp nhép trên thuyền cũng vui... Lại chờ! Khách lên con thuyền chính của đội thuyền 4 chiếc của công ty Mama Linh gần 50 người. 22 người của nhóm này và còn lại là ngoại kiều cùng Việt kiều. Tụi này chờ hơi lâu, 30 phút, vì thuyền đông người quá, lịnh xuất bến phải qua kiểm tra nhiều lần. Những chiếc thuyền khác đã nhổ neo đi hết. Vắng tàu, con thuyền của tụi tui bắt đầu lắc lư tự do theo nhịp những con sóng trong cảng biển... Thuyền đông, ai cũng phải ngồi ngay ngắn trong chỗ của mình. Đám con nít mấy ngày nay quen chạy nhảy bây giờ bị bó chân cảm thấy khó chịu. Thuý lại phát huy vai trò người phụ nữ chuyên quản con nít bằng những trò chơi và câu đố. He he, ngồi tại chỗ cũng có chuyện mà chơi... Cuối cùng, cái neo cũng được kéo lên. Con thuyền xuất bến. 9 giờ 10 phút!

Biển Nha Trang đón tiếp tụi này khá là nồng nhiệt bằng những ngọn gió mát. Gió thổi tung tóc bà con còn tóc. Những cái đầu thiếu tóc thì gió trợt qua vun vút như là dao gọt!!! Nghe ớn quá! Thuyền chạy vòng qua cầu cảng, nơi những chiếc tàu hàng to tướng đang đậu chờ bốc dỡ hàng hoá. Sóng biển bắt đầu dập dềnh chiếc thuyền của tụi này. Người hướng dẫn viên du lịch thứ nhất của đoàn, anh Lâm, biệt danh Lâm Mun, bắt đầu thông báo chương trình tham quan của đoàn...

Anh chàng hướng dẫn viên này nói huyên thuyên, nói xong bà con vổ tay rần rần... Anh ta cám ơn một tràng bằng chừng 6, 7 thứ tiếng Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hàn, Hoa, và Việt. Con thuyền vẫn đè sóng chạy bang bang ra khơi. Phía bên trái mạn thuyền là hòn Tre, hòn đảo lớn nhất trong số 18 đảo che chắn cho vịnh Nha Trang. Một vài bãi tắm có cát thấp thoáng trên đảo. Cây xanh khá nhiều, thuyền chạy cách đảo không xa, cho phép tụi này nhìn thấy không có bóng một cây tre nào trên Hòn Tre! Theo sự giải thích của anh chàng hướng dẫn viên thứ hai nói bằng tiếng Anh hay tiếng em gì đó thì tên của hòn đảo này có thể là Trẻ, Che và Lớn. Cái tên Lớn không cần giải thích (vì nó lớn nhất), chỉ hai tên Che và Trẻ là gần với Tre và có thể do mấy ông Tây thuộc địa viết không có dấu nên hòn đảo này thành hòn Tre mà hổng có tre, hì hì...

Bà con mê mãi nghe chuyện hòn Tre nên không để ý lắm tới nhịp lắc lư ngày càng mạnh của con thuyền. Thuyền chạy vượt qua đảo Trí Nguyên bên phải. Mặt biển rải rác một số những nhà bè nuôi tôm hùm. Tôm hùm được nuôi trong những lồng lưới thả dưới biển. Bên trên là những chiếc bè thấp lè tè. Trên bè người ta làm những căn nhà nhỏ để người canh bè có thể ở luôn trong đó. Cũng ngộ, nhà bè thiệt là mong manh mà sặc sỡ. Biển mênh mông, những căn nhà nhỏ với màu sắc tươi rói trông yếu ớt và nhỏ bé. Sóng bắt đầu lớn hơn! Nước, bọt sóng đã tạt vào hông thuyền ngày càng nhiều. Những chiếc bè nhún nhảy theo nhịp sóng trông như muốn vỡ toang ra. Con thuyền của Mama Linh vẫn nhịp nhàng đè sóng, không, không còn là đè nữa mà phải nói là nhảy sóng. Thuyền nhún xuống, xuống thiệt chậm, rồi nâng lên, cũng chậm, lên cao, cao nữa, cao nữa. Cái mũi thuyền có một đám giẻ rách cứ lên dần, lên dần tới khi tụi này chỉ còn thấy nó và một chút trời thì ào ào! Thuyền hạ mũi xuống đột ngột như một cú rơi tự do... A! khó chịu quá! Những người không chịu sóng bắt đầu thấy mệt. Cẩm Lai và bé Mây là hai người đầu tiên trong đoàn bị say sóng. Khi con thuyền chúi mũi, bà con nhìn thấy những chiếc thuyền đi trước ì à, ì ạch như bò trên những con sóng. Cái đít con thuyền chè bè lắc qua lắc lại như con voi đi lắc mông!!! Bọn trẻ còn lại chưa có đứa nào bị say sóng, chúng hét lên phấn khích mỗi khi con thuyền lắc mạnh. Trừ anh Vũ Khoa chỉ hét lên hãi hùng nghe như bị cắt tiết! Khoa sao vậy? Không sao, tại bé Như sợ nên nó bấu con đau quá!!!!

Trưởng đoàn Hương ra lệnh ăn mía! He he, Tâm Hiền cúi xuống lấy những bịch mía chia cho bà con. Thuyền lắc càng lúc càng mạnh, sáng nay gió lớn quá. Mọi người ăn mía, không ăn thua gì. Cẩm Lai bắt đầu cho thức ăn hồi sáng vô bao nylon!!! Vũ khỉ đề nghị đám con nít và người lớn khi nào thấy hơi xây xẩm thì hét lớn lên... He he, cái này hình như không có sách vở nào hết, chỉ là một chút kinh nghiệm của bản thân thôi. Vậy là bà con bắt đầu la, la um xùm... Nhờ vậy bé Mây không bị như mẹ!!! Hi hi, nói là hiệu nghiệm mà, chỉ có mấy nhỏ con tui la um xùm quá làm cho Tâm Hiền bật cười. Còn cô thủ quỹ này nữa! Đi xe thì say nằm bẹp chứ đi biển thì tỉnh khô!!! Cha con Phúc và Nhựt lúc đầu bò ra ngoài mũi thuyền ngồi nhìn cảnh và chụp hình, tới giờ thì chỉ còn ngồi bẹp xuống sàn, mặc kệ cho sóng nhồi... Bỏ người mẫu Lộc ngồi một mình tay chân bám chắc cứng vô trong thành ghế ngồi, tới nổi những ngón tay trắng bệt. Sau lưng tui, Anh Phú tướng tá bặm trợn, râu ria mấy ngày không cạo mọc xỉa lung tung, cũng ngồi im thin thít, mặt xanh lè, miệng nhóp nhép, không biết là nhai mía hay là cầu kinh!!! Thuý ngồi vịn vào T Rí, hai mẹ con cứng đơ như hai cục gỗ. Hương, Đức, Khoa thì không sao, chỉ có bé Chuột la hoài không dứt... Nhím cũng chịu không nổi, tiểu thư này bị say sóng vì cái đầu lanh quá, hết nhìn cái này lại ngó cái kia. Khỉ và Hà, Thuỷ, Sóc, Hiến là khoẻ nhất, không bị ảnh hưởng chút nào. Bé Thiên Hương la oái oái kêu là đau bụng. Bố Hiến xoa dầu cho con và để cháu nằm trên đùi, khỏi ngó ra ngoài sẽ bớt mệt. Thuyền của tụi tui nhảy từ từ ra cửa biển, đoạn nối giữa hòn Tre và một cái hòn gì gì mà tui không biết tên. Sóng xô vào những khối đá trên bờ đảo ầm ầm, bọt tung trắng bãi. Đá, những vách đá mút phía ngoài hai đảo này tuyệt đẹp với những vết xâm thực gió đều tăm tắp. Gió từ ngoài khơi, những cơn bão của biển đông ghé vào đây, để lại trên đá những vết cắt sâu hoắm, đều đặn theo một chiều duy nhất. Từ xa xa nhìn vào, cứ ngỡ như ngàn năm trước có ai đó ngồi không, rảnh hơi xếp chồng những khối đá vàng rực vào nhau tỉ mỉ. Và lác đác trên đá, một vài cây xanh nho nhỏ, lay lắt sức mạnh của sự tồn tại... Hai hòn đảo này là hai chốt chặn cuối cùng của tự nhiên, giúp cho Nha Trang là thành phố miền trung duy nhất không bị những cơn bão tàn phá như những khu vực khác.

Anh hướng dẫn viên Lâm Mun đã trấn an bà con rằng qua khỏi cửa biển là hết sóng thôi. Đoạn này do nước triều của hai khu vực xoắn vào nhau nên sóng to. Con thuyền vẫn lì lì nhảy chồm chồm qua cửa biển. Cuối cùng thuyền chạy qua hai đảo, quả nhiên sóng giảm xuống nhiều. Bây giờ thuyền chỉ còn đong đưa theo nhịp máy rì rầm thôi! Cẩm Lai vẫn cứ ói dài dài, chịu không nổi! Gương mặt cô này nhợt nhách, trắng như bị ngâm nước lâu, ghê quá. Bé Mây cũng như mẹ, la hoài mà mệt vẫn cứ mệt... Tâm Hiền chợt nhớ tới thứ vũ khí cuối cùng, chewinggum chống ói, hi hi, trong túi tui có một gói kẹo cao su đặc biệt, công thức chứa tới ba loại bạc hà khác nhau giúp cho bà con đỡ say sóng. Móc ra phát liền. Bé Mây cảm thấy công hiệu ngay lập tức. Hi hi, Phúc không biết có choáng không mà cũng xin một thỏi. Không được, cái này để dành cấp cứu thôi, hì hì... Lai nhai hai ba miếng mà không ăn thua gì hết, chết thiệt, hết cách! Có mấy cô nàng tre trẻ ngồi gần phía Lộc, ăn mặc thiệt là đẹp, nhưng cũng như Lai rũ rượi vì say sóng.

Thuyền của tụi này lại tiến ra cụm đảo thứ hai. Xa xa là hòn Mun, hòn Yến và lung tung hòn. Những khối đá rải đều trên vách hòn Mun, đen mun... Hi hi, hòn Mun mà! Con thuyền êm sóng bắt đầu tăng tốc. Nước tạt vào hông thuyền ào ào hay là thuyền xé nước lướt tới? Biển lấp loáng nắng. Gió thổi căng mặt! Những con người sống hoài trong thành phố như tụi tui bắt đầu nhìn ra khoảng trời đất mênh mông. Tầm nhìn không còn bị giới hạn nữa. Chỉ trên biển mới thả sức phóng cái nhìn vào vô tận được. Hết mức là khoảng giao trời và biển, nơi hai màu xanh thành một... Chú Hà lại bắt đầu bài học về tin khí tượng và dự báo thời tiết! Ai biết vì sao khi trời trong thì câu nói là tầm nhìn xa trên mười Km không? Hi hi, một màn giải thích cho bọn trẻ, và những thắc mắc lại tiếp. Chú Hà giỏi thiệt nhưng không thể thõa mãn lũ nhỏ này. Hỏi ít thôi, hỏi nhiều quá thì nước sôi 90 độ bây giờ... Cô Thuý chêm vào, sau khi tỉnh hồn. Bọn nhỏ cười ào ào...

Thuyền thả neo! Đằng sau thuyền có phòng thay đồ cho các bà, còn các ông thì ráng chịu, he he... Bà con được lấy kính lặn, ống thở, áo phao, phao bơi trên thuyền. Khu vực này được nhìn san hô, bơi, bắt cá nhưng cấm lặn bẻ san hô... Bọn con nít lục tục thay đồ. Khỉ con nhứt định không chịu xuống biển. Con bé bị lật phao năm ngoái trong dịp đi chơi đảo như thế này, uống nước một trận điếng hồn nên năn nỉ cỡ gì cũng không chịu xuống. Tâm Hiền và Khỉ già nhường nhau một đứa xuống biển một đứa trên thuyền trông con. Cuối cùng thì Hiền nhường cho tui, he he, chỉ vì tui bị say sóng liền ngay sau khi thuyền ngừng lại. Nếu xuống nước thì hết say sóng! Thiệt là có đi mới biết cái số mình sướng, chớ hồi nào tới giờ có biết đâu! Hi hi, cám ơn em!!! Mọi người xuống nước, Cẩm Lai ngồi lại trên thuyền ói tiếp. Cuối cùng, Cẩm Lai và ba cô khách trẻ trên thuyền đành chấp nhận lên một cái thúng, vào hoang đảo làm Robinson. Một cái thúng chút xíu cặp vào mạn thuyền, những người khách rũ rượi trèo lên, vào đảo sống đời hiu quạnh!!! Híc! Tội quá!!!

Thuyền đậu phía sau hòn Mun! Tui nói phía sau tức là phía hòn Mun quay mặt vào đất liền chứ không phải là quay mặt ra biển. Nhờ núp ra sau nên sóng nhỏ, rất nhỏ, chỉ còn gợn lăn tăn trên mặt nước. Cách bờ đảo chừng 100m, biển sâu cỡ 7, 8 thước. Nước trong, nhìn thấu đáy! Bọn nhỏ trang bị áo phao và cả một cái phao tròn, đứa nào cũng đeo kính, ngậm ống thở và úp mặt nhìn xuống nước để xem cá và san hô! Tui, Hà bơi vòng phía ngoài, Hà cũng đeo một cái phao, còn tui thì không. Hai thằng cứ vòng vòng để gom mấy đứa nhỏ vô một chỗ. Bé Mây đứ đừ vì say sóng cũng xuống ôm phao nhìn cá với người ta. Phúc không biết bằng cách nào leo luôn lên phao nằm phơi cái bụng cho tiệp màu với cái lưng!!! Anh chàng này thong thả khoát khoát tay, phao trôi đâu thì trôi, kệ nó! Còn Lộc thì không trèo lên phao nổi, đành phải nhỏng ... Hai tay chèo liên tục nhằm tiến tới chỗ Phúc! Thuý, Phú, Hương và mấy đứa nhỏ khác yên ổn với phao. Nhím thì ói ngay khi tàu vừa dừng, rồi xuống biển bị lạnh nên đành phải lên thuyền nhìn xuống thòm thèm. Trên thuyền bây giờ có Đức, Tâm Hiền, Thuỷ, Nhím, Chi. Bà con bơi qua bơi lại nhìn xuống nước. Thuỷ cung trong con mắt đui của tui mờ mờ ảo ảo. San hô không thấy đâu, chỉ còn lèo tèo vài nhánh, nhưng cá thì nhiều lắm. Những đàn cá bò, cá chim, cá hề bơi lung tung trong đám hải quỳ. Nước làm cho tui thấy như thò tay có thể bắt được vài con, nhưng thiệt ra là lặn ngút hơi mới tới. Khỉ thử lặn vài vòng. Những con cá coi lừ đừ vậy chứ lanh khiếp. Không thể nào chộp được!!! Hì hì, lặn xuống hai ba lần mệt quá, ngoi lên thở như bò rống... Bé Mây không biết làm sao mà phao trôi tuốt vào phía mũi thuyền. Con bé la chói lói. Tui sợ những con hàu bám dưới gầm thuyền có thể cắt đứt chân con bé nên lật đật bơi tới lôi nó ra. Trời ơi, cô nhỏ này cứ la um, tui trôi, tui trôi, ai kéo tui ra, ai kéo tui ra... Lôi được Mây ra thì cô Thuý bày trò chơi, đứa nào đè được đầu chú Hà sẽ được thưởng. Thế là bọn nhỏ nhao nhao đạp chân, khoát tay bơi theo chú Hà. Chú Hà bơi vòng ra phía ngoài la chói lói. Vũ Khoa, tay vô địch bơi lội trong nhóm nhỏ của đoàn bơi vòng ra xa như lơ chú Hà. Bất ngờ anh chàng lẻn ra sau và ào, chú Hà bị đè xuống. Một bầy con nít xông tới. Tui thấy Hà tơi tả dưới những cú nhận, đè của bọn con nít. Thuý, Hương cười tới nổi rơi ra khỏi phao. Mấy người trên thuyền phê quá chồm ra xem. Tâm Hiền la lên kêu bà con bơi gần lại để chụp hình. Phúc và Lộc cố bơi lại gần nhau, hai người này khoái làm người mẫu, nhưng hai cái phao cứ dập dềnh. Gần nữa đi, Norodom nằm ngữa trên cái phao phơi cái bụng tròn như cái trống cơm, Lộc trườn sấp trên cái phao nhỏng cái mông liên tục ...nhưng không nhích được cm nào. Tui nghe tiếng Tâm Hiền cười như nắc nẻ " coi anh Phúc chị Lộc kìa , mắc cười quá , gì mà như con choi choi dzậy , anh Phúc xích gần chút nữa đi". Không gần được chút nào, chụp đại thôi!!! Máy hình bấm lia chia! Tui với Hà bơi gom bà con lại gần chụp hình, những nỗ lực mệt mỏi... Chợt Thuý lại đề nghị trò chơi mới, he he, cái vụ này không ổn rồi! Tui phải lên thuyền thôi. Ai chơi tuột... bao giờ kỳ lắm!!!

Bơi, nhìn xuống nước xem cá và san hô đã đời! Cả bọn lên thuyền, đói meo. Thuyền nhổ neo quay về hòn Một. Đây là cái hòn nhỏ xíu trông y như một ngọn núi đơn độc nhô lên khỏi mặt biển. Chính vì vậy nó có tên là hòn Một. Hòn Một được chọn làm nơi neo thuyền ăn trưa và khai mạc hoạt động hấp dẫn nhất của Mama Linh boat trip. Biển tại đây rất êm, đơn giản vì hòn Một núp sau Hòn Mun và Hòn Tằm. Bốn chiếc thuyền trong đội của Mama Linh cặp sát vào nhau. Hành khách được mời đứng dậy. Những cái ghế tựa được tháo ra, chỗ tựa lưng và mặt ghế xếp lại thành một cái sàn to. Nhân viên trong đội thuyền, từ tài công, phụ mũi, hướng dẫn viên, đầu bếp đều hè nhau bưng bê thức ăn. Món ăn khá nhiều, có cá chiên, mực dồn thịt, tôm hấp, thịt kho, chả giò, rau xanh, rau xào... và cuối cùng là những dĩa cơm. Bọn trẻ bắt đầu tấn công, nhóm tụi này khui chai rượu Remy của Tiến mang về tặng cho Phúc! He he, rượu Sáu Bảnh uống bảnh thiệt. Bữa cơm trôi qua nhanh chóng, đồ ăn nhiều nhưng cơm khô quá, mà không canh nên nuốt khó ghê. Thôi thì ăn đồ ăn không cũng được. Sau khi ăn xong, bàn ăn được dọn nhanh chóng. Tụi tui bắt đầu nhìn trời nhìn nước trong khi những nhân viên Mama Linh bắt đầu chuẩn bị hoạt động chính của chuyến đi. He he, một màn phục vụ văn nghệ cây nhà lá vườn. Trời đất! Cái bộ trống của ban nhac Mama linh thiệt tình trên đời trời đất chỉ có một. Một cái nắp nồi to bị bể, dùng làm cái chập cheng. Mấy cái thùng, can nhựa cắt dài ngắn khác nhau làm trống. Trống cái cũng có một cái pedal đạp chân thiệt là ngộ! Hì hì, tui nhót lên vỗ thử, cũng có lí, nhưng thiếu cái mõ gõ cóc cóc thành ra tui không chơi được điệu chachacha... Hi hi, đó là điệu trống duy nhất mà tui chơi được. Ban nhạc Mama Linh bắt đầu chơi, anh chàng Lâm Mun là tay ghi ta chính, anh đầu bếp là ca sĩ chính... Tất cả nhân viên phục vụ trên thuyền đều tham gia ban nhạc. Hì hì, chơi bốc lửa... Mọi người trên bốn chiếc thuyền tập trung về thuyền chính để xem! Bà con khoái chí vỗ tay rào rào! Tới tiết mục đinh, một nhân viên trên thuyền sẽ hỏi quốc tịch của một khách nước ngoài bất kì, nước nào sẽ hát một bài nổi tiếng của nước đó!!! Người đầu tiên được hỏi là một cô gái tóc đen, hi hi, người Israel??!! Trời đất, tui cũng chưa bao giờ nghe một bài hát Israel. Tưởng là kì này tổ trác Mama Linh chứ, ai dè!!! He he, chơi luôn một bài hát Israel, cô gái trúng đài, đứng dậy hát theo ban nhạc và lắc lư như điên!!! Công nhận là nhạc Do Thái cũng giựt bạo thiệt... Rồi tới Úc, với bài hát về con Kangaroo. Mĩ, Canada, Pháp, Hy Lạp... Bảy tám bài hát được nhân viên Mama Linh phục vụ. Không khí nóng hực với tiếng trống tự chế và cây đàn ghi ta dòm như cây đờn nguyệt. Mọi người vỗ tay rào rào và huýt gió inh ỏi!!! Một anh chàng nước ngoài hứng chí nhảy lên chơi luôn một bài Rock hừng hực khí thế. Tiếng đàn của anh ta thật tuyệt, chắc là dân rocker thiệt rồi... Thanh Hương ngồi cạnh một tay da vàng mũi tẹt như tụi mình, anh chàng bật hỏi, chị ở đâu? Sài Gòn, Hương trả lời, còn anh? Tui ở Úc về, công nhận vui quá là vui phải không chị!!! Hì hì, vui thiệt, chương trình cho Tây hết, ban nhac hát bài "Nối vòng tay lớn", he he, người lớn con nít gì cũng vỗ tay hát theo. Mấy đứa nhóc của tụi này hát quá, khản cả giọng. Tui vốn ít thích nhạc Trịnh, trừ bài này ra. Không biết vì sao nghe tới là miệng bật hát theo. Ừ, thì rừng núi dang tay nối lại biển xanh, không phải tụi này cũng đang làm một chuyến đi nối từ "xuống biển", "lên non" rồi "ra khơi" đó sao? Những vòng tròn nối liền những con tim, kết lại cái tình bạn cho bền chặt thêm. Bền chắc, sẽ bền chắc hơn, trong cái ngày cuối của chuyến đi chơi này, phải không? Phải, chắc chắn là như vậy! Y như bài hát có vòng tay lớn, mong là nó sẽ còn lớn nữa, gộp lại cả nhóm pklhp.org của tụi mình cho dù... hì hì, lạc đề quá xa rồi khỉ ơi! Cái cảm giác cùng vỗ tay hát bài hát này, với những người khách bạn trên thuyền, không có khoảng cách, sao mà thân thương gần gũi lạ. Những khoảng khắc đáng quý trong đời. Bài hát này của Trịnh Công Sơn đúng là bài hát bất tử.

Quay lại chương trình văn nghệ Mama Linh thôi. Cuối cùng ban nhạc chơi hai bài twist cho bà con lên giựt! Mấy cô người Mĩ, Pháp và Canada lên quậy tưng, có điều cao quá nhảy lom khom thiệt là giống tui quá mạng (he he, ý là giống khỉ đó).

Buổi ca nhạc kết thúc trong tiếc nuối của bà con. Mọi người tươi rói hết, không ai còn biểu hiện say sóng hay lừ đừ chút nào. Nhân viên Mama Linh dọn dẹp xong lại chạy ra tuyên bố khai mạc floatting bar. Hì hì, bà con cứ ra ngoài mũi thuyền xong nhảy ùm xuống bơi ra ngoài là sẽ được phục vụ rượu nho miễn phí. Chỉ người lớn mới chơi thôi, con nít không được chơi vì chỉ có rượu thôi mà. Phú, Hà, Phúc, Khỉ, Hương và bé Chuột cùng nhảy xuống. Bơi ra, lấy một li uống thử, aaaa! Rượu gài với nước nho, ngọt gắt cổ, Khỉ chịu thua. Hương lấy một li, bơi cả khúc về thuyền đưa cho Đức! Thương chồng quá mạng ta ơi. Bé Chuột khoái miếng thơm trong li rượu nên xúi mẹ uống để bé ăn thơm. Hương cũng khoái thứ rượu ngọt này nên uống hơi ít...chỉ có 3 ly. Bơi lòng vòng không đã, Khỉ leo lại lên thuyền chơi nhảy chúi! Thiệt là, chúi hai ba cái không biết làm sao đập nguyên cái ngực xuống nước ê càng... Thôi trèo lên. Floatting bar kết thúc! Ừ kết thúc là phải vì trưởng đoàn của tụi tui say quá chừng rồi... Hi hi, Hương khoái vị ngọt của rượu nên uống một hồi say xỉn. Lên thuyền, nằm dúi dụi vào người thầy Đức. Tội nghiệp Đức, tê chân hết là cái chắc, he he... May mà uống mới ba ly còn nhận ra thầy Đức để dựa, chứ nếu xỉn nhiều dựa thằng Phú thì chết... Chuyến thuyền sẽ đi tiếp vào hòn Tằm. Bà con vào đó kiếm lều nghỉ mát, chơi các trò chơi và tắm biển nữa!!! Trưởng đoàn vô đó ngồi nghỉ chút là khoẻ chứ gì!!!

Hòn Tằm là một hòn đảo dài dài, hai cái đầu hơi u lên như một con tằm, vậy thôi. Cách đây mấy năm, khu vực hòn tằm cũng có nhiều san hô để lặn xem, nhưng không biết vì sao cầu gai tại khu vực này nhiều quá xơi tái sạch bách san hô, vì vậy chỉ còn vô đảo để chơi và bơi trong khu vực giới hạn thôi. Bơi ra ngoài lán cháng đạp cầu gai một phát có mà tiêu cái giò. Trên đảo có chèo thuyền, dù kéo bằng cano, chạy moto nước... Toàn là những trò chơi bạo lực hoặc cao độ... Khỉ là không chơi mấy trò này! Tâm Hiền háo hức vào đảo để chơi dù kéo. Tiếc là bữa đó dù kéo không có, chắc tại dù đứt dây hết rồi, hi hi... Nhựt chơi chèo thuyền! Trời ơi cái thuyền ca dắc (tui không biết kêu là gì, kêu đại vậy đi) mắc dịch. Chèo sao nó cứ quay vòng vòng. Thằng nhỏ chán, chú Hiến nhảy lên. He he chèo mấy phát thiệt ngon, chạy bang bang ra ngoài xa. Xuồng bắt đầu quay vòng vòng, chú Hiến tả xung hữu đột không làm sao vô bờ được... Mệt quá, chú Hiến ngồi chịu trận ngoài biển. Nắng chiều như lửa, đổ xuống sáng loà mặt biển. Híc, chú Hiến ngồi riết tới nổi da đầu cũng cháy nắng, bữa nay mà cái trán còn đen thui... Khỉ cũng thử chèo, Hà cũng chèo, Lộc cũng chèo... toàn bộ rút kinh nghiệm của Hiến chèo gần gần nên không ai bị phơi nắng hết. Nếu xuồng quay vòng vòng cùng lắm nhảy xuống lôi vô thôi!!!

Thiệt tình tui không hiểu sao cái giỏ của Lộc và Thuý cứ mở ra là có đồ ăn liền! Vô hòn Tằm, bà con xách cái giỏ lên, mở ra, dọn đồ ra ăn nữa... Ôi ăn hoài, lúc nào cũng có đồ nhóp nhép!!! Đi chơi thì có Hương vạch chương trình, Hiền lo trả tiền, Lộc và Thuý lo giỏ thần, mấy thằng tui thiệt là còn ngon hơn mấy ông vua, hì hì... Chỉ có một chuyện là lo chơi, nhậu và ráng mà ăn thôi

Chương trình còn một đảo nữa, tụi tui sẽ ghé vào chơi lắc thuyền thúng thử. Nhưng khi thuyền nhổ neo rời hòn Tằm thì gió lớn quá. Biển nổi sóng ì ì. Những con sóng liên miên như những lưỡi búa chà bá bủa vào mạn thuyền. Con thuyền bị nhồi lắc dữ dội. Gió thổi như roi quất vào mặt, bà con trên thuyền mặt mày xanh lè. Thuyền nhảy chồm chồm theo những con sóng. Rồi bất ngờ tắt máy. Trời ơi! Giờ này mà chết máy là bỏ mạng hải tràng nghe ông cụ.. A! hết dầu, Hà la lên như giỡn để trấn an bà con. Hì hì, không phải, thuyền đâm đầu trở vô đảo để tránh gió bớt mới tháo tấm bạt lớn che trên mui thuyền được. Tháo bạt xong, thuyền nổ máy trở lại chạy ra. Gió càng lúc càng mạnh. Chợt có tiếng la hét vang trời trên mui. Rớt, có cái gì rớt xuống biển. Hả, coi chừng trưởng đoàn Thanh Hương! Trời ơi leo lên mui chơi làm chi cho khổ vậy nè... May quá, hú hồn, Không phải người rơi xuống biển mà là mấy cái phao. Thuyền quay vòng vòng trong sóng biển để vớt mấy cái phao. Tui nghe Lộc la lên, bỏ đi cho rồi, sóng lớn muốn lật thuyền mà còn lo vớt ba cái đồ của nợ. Cái mũi thuyền nhào qua trái, cất đầu lên, rồi rớt xuống bên phải. Aaaaa! một cú rơi tự do! Tui dòm thấy Thuý, Hiền ngồi bên kia sợ tái mặt. Người nào cũng bị nhồi lắc như điên, nhào qua, nhào lại. La lên, thấy khó chịu thì cứ la lên cho bớt sợ! Tui la bài hải cho mọi người biết. Hì hì mấy đứa nhỏ hét lên luôn chứ không phải la, mà vừa hét vừa cười, đúng là đồ con nít mà... Thuyền vớt xong mớ phao, trở đầu chạy ra phía làng chài. Cái làng chài này hình như nằm phía ngoài đảo Trí Nguyên, hướng ngược với hồ nuôi cá biển của Nha Trang, tức là dòm ra ngoài biển. Sóng lớn, càng lúc sóng càng lớn. Mọi người đều đồng ý về luôn, không chơi lắc thúng nữa. Sóng cỡ này thuyền lắc muốn chết rồi còn lắc thúng làm gì... Được, mấy tay nhân viên Mama Linh cũng vui ra mặt! Quay về, ráng lên, chỉ còn qua được cửa biển là sóng êm thôi. Chiếc thuyền tăng tốc chạy ào ào vô hướng Cầu đá. Xa xa thấy cái Bạch Dinh của Vua Bảo Đại đứng trên núi dòm tụi này kênh kênh. Bờ biển Nha Trang phía này cũng là một vách núi đẹp thiệt là đẹp mà sao hồi đó tới giờ tui không thấy cà!!! Hì hì, cuối cùng thuyền qua cửa biển an toàn... Sóng êm, cầu cảng càng lúc càng gần... Tới rồi, ra khơi rồi quay vào, he he, đi tới nơi về tới chốn... Hú vía!

Mọi người lục tục lên bờ, trưởng đoàn Thanh Hương như thường lệ điểm danh bà con. Chết thiệt, Cẩm Lai đâu rồi! Hu hu, quên mất Cẩm Lai rồi, làm sao bây giờ, chẳng lẽ Cẩm Lai thành Robinson thiệt sao! Lai đây, Lai đây, hì hì, thì ra Cẩm Lai sợ thành Robinson nên vội vàng lên tiếng. Thiệt tình là tui quên kể Cẩm Lai đã lên thuyền trở lại ngay khi thuyền rời hòn Một... Xin lỗi nghe, già lẩm cẩm rồi Lai ơi!!!! Lên bờ, an toàn rồi, khỉ tui lại bắt đầu chọc ghẹo Phú, hì hì. Phú nè! Hồi nảy mày sợ quá nên im thin thít, mặt không chút máu, thiệt tình tao thấy thương mày ghê. Thuý phản công, ông Vũ này chọc người không dòm lại mình, ông mới nhát nhứt chứ nói ai! Tại sao? Thì dòm cái quần ông kìa, ướt hết rồi, hi hi... Mọi người một lát đừng cho ông Vũ ngồi nghe, dơ ghế hết, mà khai nữa... Tâm Hiền la lên, Chị Thúy nhìn đâu không nhìn, lại đi nhìn cái quần của Vũ... Trời ơi tui nhìn xuống, ngọng luôn! Thiệt là tình ngay lí gian, không biết làm sao mà cãi đây

cò vũ
Cò Khổng Lồ
Cò Khổng Lồ

Tổng số bài gửi : 13
Join date : 10/02/2011

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết